Tín dụng xanh đẩy nhanh quá trình thực hiện Net Zero của Việt Nam
Ngày 21/9, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp với NHNN Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Xanh hóa ngành ngân hàng- Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon tại Việt Nam”.
Việt Nam đã công bố mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, loại bỏ dần điện than vào năm 2040 và đến năm 2030 giảm 30% lượng khí thải Metan so với mức năm 2020. Để thực hiện thành công các mục tiêu khí hậu mới theo cam kết, Việt Nam phải tập trung mở rộng cơ sở hạ tầng xanh, đặc biệt là năng lượng xanh, giao thông xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả và công trình xanh, chuyển đổi từ những ngành công nghiệp nặng và “nâu” sang lộ trình phát thải carbon thấp, bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang đối mặt với hiện trạng thiếu hụt về nguồn vốn dài hạn.
Ông Allen Forlemu- Giám đốc Khối Định chế Tài chính khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của IFC cho biết: IFC ước tính cơ hội đầu tư về khí hậu của Việt Nam sẽ lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030, dành cho các lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo, công trình xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả và giao thông vận tải. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính khí hậu ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc bảo đảm sự phù hợp giữa các cơ hội đầu tư lớn và mục tiêu về môi trường. Vì vậy, để hỗ trợ hành trình khí hậu của các quốc gia, các ngân hàng và ngành tài chính cần đóng một vai trò quan trọng, cần tăng cường và đi tiên phong trong hỗ trợ mở rộng quy mô tài chính khí hậu thông qua hoạt động tài chính.
Theo Báo cáo quốc gia về khí hậu của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2022, Việt Nam không đóng góp nhiều về lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, chiếm không quá 0,8% lượng phát thải toàn cầu. Nhưng chỉ 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh nhất. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ đáng kể trong thập kỷ qua, một xu hướng dự kiến sẽ tiếp tục trong trung hạn bất chấp khủng hoảng COVID-19.
Để đáp ứng mức tăng trưởng kinh tế đó, năng lượng sẽ tiếp tục được sử dụng ngày càng nhiều với hậu quả tiêu cực là tăng phát thải khí nhà kính. Khí hậu biến đổi ngày càng làm gián đoạn nền kinh tế Việt Nam, và mức chi phí đang dần làm sự tăng trưởng bị suy yếu dần. Tính toán ban đầu từ Phân tích Môi trường Quốc gia (CEA) gần đây cho thấy, năm 2020, Việt Nam đã tổn thất 10 tỷ USD do biến đổi khí hậu, tương đương 3,2% GDP...
Ông Phạm Thanh Hà- Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, trong xu thế chung toàn cầu, Việt Nam cần thực hiện những yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực môi trường. Theo đó, bản thân các DN và tất cả các lĩnh vực đều phải coi đây là một cơ hội và yêu cầu bức thiết phải triển khai. Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, NHNN đã phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng chương trình hành động của ngành thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh.
Về phía Chính phủ cũng đã khẩn trương ban hành rất nhiều văn bản để hoàn thiện môi trường- mang tính pháp lý chung để các bộ, ngành, địa phương, ngành nghề triển khai, tiến tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Nhằm hỗ trợ phát triển bền vững về môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách, chiến lược, kế hoạch như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam (VGGS), kế hoạch hành động liên quan, cũng như các NDC của quốc gia và Chiến lược thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (VSDGs) đang mở đường cho tăng trưởng xanh bền vững.
Tuy nhiên, dù các cơ quan quản lý ngành tài chính đã có nhiều bước đi để ứng phó với những rủi ro này, vẫn còn thiếu các phương pháp đánh giá rủi ro khí hậu và ứng phó với rủi ro khí hậu chưa được lồng ghép trong hướng dẫn chi tiết, cùng các công cụ và hoạt động giám sát thường xuyên đối với ngành tài chính.
Phân tích và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam, đại diện IFC đánh giá, những giải pháp tài chính cho cơ sở hạ tầng xanh và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp chủ yếu nên xuất phát từ các ngân hàng và thị trường vốn. Các cơ quan quản lý ngành tài chính tăng cường nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh, kịp thời hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững hậu Covid-19. Mặc dù Chính phủ đã chủ động thực hiện các bước để chống lại biến đổi khí hậu thông qua cải cách, vẫn cần có kế hoạch tổng thể bảo đảm các can thiệp ở cấp chính sách, thị trường và tổ chức tài chính được phối hợp một cách chiến lược.
“IFC sẵn sàng cam kết hỗ trợ cho quá trình này với sự hướng dẫn phù hợp từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Đây là thời điểm phù hợp để giúp Việt Nam có thể chuyển sang nền kinh tế sạch hơn, xanh hơn. IFC luôn hỗ trợ và cam kết để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường tài chính xanh”- ông Thomas James Jacobs - Giám đốc Quốc gia khu vực Meekong IFC Việt Nam nhấn mạnh.
Thái An
- Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
- Điện lực Bình Định - Sáng mãi niềm tin
- Nợ BHXH đang là thách thức lớn trong quan hệ lao động tại TP.HCM
- BIC được vinh danh TOP1 Nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm Việt Nam khối doanh nghiệp lớn
- Huy động các nguồn lực để hỗ trợ sáng tạo báo chí chất lượng cao