TP.HCM: Cứ 10 người già có 5 người mắc bệnh cao huyết áp
Ngày 4/9, Sở Y tế TP.HCM công bố dữ liệu khám sức khỏe người già (60+) đang sinh sống trên địa bàn. Theo đó, tính đến thời điểm đầu tháng 9/2024, người già mắc bệnh tăng huyết áp đang dẫn đầu bảng.
Cụ thể, trong tổng số 233.051 người già được khám sức khoẻ, có 134.288 người mắc bệnh cao huyết áp, chiếm tỷ lệ 57,6%. Đứng nhì bảng là bệnh đái tháo đường với 54.217 người mắc, chiếm tỷ lệ 23,3%. Đứng thứ ba là hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (1,9% người già có tiền sử mắc bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 0,9% người già có dấu hiệu nghi ngờ hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Đứng thứ tư là bệnh lý ung thư (ghi nhận tiền sử mắc ung thư chiếm 1%, có dấu hiệu nghi ngờ ung thư chiếm 1,9%).
CLB Dinh dưỡng tổ chức sinh hoạt với chủ đề "Hạ muối trong bữa ăn" dành cho người già trên địa bàn TP.HCM
Dữ liệu khám sức khỏe người già ở TP.HCM còn cho thấy các dấu hiệu suy sụp tâm lý. Theo đó, có 0,26% người già có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng; 17,6% người già có dấu hiệu tiền suy yếu; 1,3% người già có dấu hiệu suy yếu; 2,3% người già có nguy cơ té ngã; 2,2% người già cần hỗ trợ trong sinh hoạt cá nhân (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiểu tiện, di chuyển). Đáng chú ý, có tới 7,9% người già cần người khác hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ...).
Theo Sở Y tế TP.HCM, dữ liệu khám sức khoẻ người già đang sinh sống trên địa bàn giúp ngành Y tế nhận diện chính xác, đầy đủ mô hình bệnh tật người già ở TP.HCM. Quan trọng hơn, hoạt động này còn cung cấp dữ liệu đầu vào quan trọng cho việc xây dựng Hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân trên địa bàn... Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM đang hối thúc các địa phương đẩy nhanh tiến độ.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tính đến đầu tháng 9 này, toàn địa bàn TP.HCM mới khám sức khỏe cho 19,5% trong tổng số hơn 1 triệu người già đang sinh sống trên địa bàn. Được biết, hồi cuối năm 2023, sau khi được chính quyền phê duyệt kế hoạch khám sức khỏe toàn bộ người có độ tuổi 60+ đang sinh sống trên địa bàn, ngành Y tế địa phương này đã bắt tay triển khai từ đầu năm 2024 tới nay.
Cũng liên quan tới người già, nhưng ở phạm vi cả nước, dữ liệu dân cư quốc gia cho thấy hiện có 16,1 triệu người già, chiếm khoảng 16% dân số. Trong đó, có khoảng 2,6 triệu người già ở độ tuổi 80+; 9 triệu người già là phụ nữ; 10,3 triệu người già đang sống ở nông thôn; 2,7 triệu người già đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 14,6 triệu người già có thẻ BHYT; khoảng 275.000 người già đang tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để chờ hưởng lương hưu…
Trong một dự báo từ các chuyên gia cho thấy, đến năm 2050, tỷ lệ người độ tuổi 60+ ở Việt Nam sẽ tăng hơn 25%. Đáng chú ý, tới năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức có tên trong danh sách các quốc gia có dân số già.
Thanh Giang
- Tiếp tục thực hiện nghiêm phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi
- “Gánh nặng” mù lòa của Việt Nam
- Bé trai 5 tuổi suy tuyến thượng thận vì thuốc tăng cân thần tốc
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện
- Cần đánh giá, phân loại đúng các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm