TP.HCM: Giảm nghèo thực chất, thoát nghèo bền vững
Với phương châm "không để người nghèo bị bỏ lại phía sau và không để tái nghèo", các cấp, các ngành trên địa bàn TP.HCM đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo thống kê, đầu giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn TP.HCM có hơn 58.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm 2,29% trên tổng hộ dân. Đến đầu năm 2024, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo của thành phố giảm xuống còn hơn 22.860 hộ với khoảng 91.250 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,90%). Trong đó bao gồm 8.293 hộ nghèo với 31.699 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,33%) và 4.574 hộ cận nghèo với 59.554 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,57%). Như vậy, qua hơn 3 năm thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, TP.HCM đã giảm được hơn 31.000 hộ nghèo và hơn 22.000 hộ cận nghèo. Đặc biệt, có 7 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.
TP.HCM hỗ trợ phương tiện giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn
Tính đến ngày 30/6/2024, qua tổng hợp báo cáo kết quả rà soát thường xuyên hộ nghèo, hộ cận nghèo từ các quận, huyện và TP.Thủ Đức cho thấy, TP.HCM không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia. Đồng thời, còn khoảng 21.450 hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn TP.HCM) với 86.662 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,84%) tổng số hộ dân của thành phố. Trong đó bao gồm 7.176 hộ nghèo với 27.934 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,28%) và 14.278 hộ cận nghèo với 58.728 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,56%). Dự kiến, đến cuối năm 2024, thành phố phấn đấu giảm 0,21% tỷ lệ hộ nghèo và giảm 0,23% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của TP.HCM giai đoạn 2021-2025.
Ông Phạm Minh Tuấn- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, trong năm 2024, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ Thành phố đã tập hợp, huy động sự tham gia, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân, DN… cùng chung tay góp sức đưa thành phố vươn mình phát triển. Các hoạt động an sinh xã hội được đẩy mạnh, quan tâm, kết nối, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để “không ai bị bỏ lại phía sau”, tiếp tục góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Từ đầu năm đến nay, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” TP.HCM đã chăm lo, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho hơn 39.000 trường hợp, với số tiền 12 tỷ đồng; phối hợp với Ủy ban MTTQ các quận, huyện và TP.Thủ Đức tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết- Tết nghĩa tình”, trao tặng quà Tết cho hơn 17.620 hộ cận nghèo và hơn 640 đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đồng thời, Ủy ban MTTQ Thành phố cũng hoàn thành sửa chữa, xây dựng 575/500 căn nhà tình thương- vượt kế hoạch đề ra. Hệ thống MTTQ các cấp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hàng trăm công trình, chăm lo cho hàng ngàn người nghèo, cận nghèo như: Công trình “Phương tiện trao tay- thoát nghèo bền vững”; trao tặng thẻ BHYT cho 100% thành viên hộ cận nghèo chưa có thẻ BHYT; trao tặng hơn 4.000 bình chữa cháy cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn…
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2024
Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, TP.HCM cũng ban hành Kế hoạch đầu tư công năm 2025 để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện Chương trình dự kiến bố trí đến năm 2025 là hơn 13.291 tỷ đồng, trong đó bổ sung mới cho năm 2025 số tiền 1.918 tỷ đồng. Để thực hiện kế hoạch này, thành phố sẽ triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, góp phần hỗ trợ cải thiện, nâng cao thu nhập.
Cụ thể như: Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ; chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm (trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); chính sách hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người; chính sách hỗ trợ về giáo dục; chính sách hỗ trợ nhà ở…
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa 10 (nhiệm kỳ 2021-2026) đã quyết nghị thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND về Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Theo đó, HĐND Thành phố sửa đổi, bổ sung các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, trong đó tiêu chí thu nhập là 46 triệu đồng/người/năm; tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản là 6 dịch vụ gồm: Y tế, giáo dục, việc làm và BHXH, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin…
Theo Nghị quyết, trong giai đoạn 2021-2025, chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/năm từ 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Chuẩn hộ cận nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Chuẩn hộ có mức sống trung bình là hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người trên 46 triệu đồng đến 69 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, UBND Thành phố cũng dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại thành phố giai đoạn 2021-2025 là 15.144 tỷ đồng, trong đó bổ sung cho 2 năm 2024-2025 gần 2.900 tỷ đồng.
Nguyệt Hà
- Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực giới
- Công đoàn tặng sổ tiết kiệm cho trẻ có cha mẹ tử vong do bão số 3
- Thái Nguyên: Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo
- Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- Năm 2025: Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 95,15% dân số