Ứng dụng Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực ASXH

Chủ nhật, 20 /02/2022 08:52

Cùng với xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH, quá trình thu thập, phân tích dữ liệu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được ứng dụng nhiều hơn từ các tổ chức ASXH tại nhiều quốc gia.

Theo Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA), minh chứng cho thực tế này được thấy rõ nhất từ các tổ chức ASXH ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Đơn cử như tại Hàn Quốc, các tổ chức ASXH của quốc gia này đã có những nỗ lực đáng kể trong việc sử dụng công nghệ thông minh để cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như tối ưu hóa quy trình xử lý nghiệp vụ. Điểm đáng chú ý là các tổ chức ASXH của Hàn Quốc đã và đang biết cách tận dụng triệt để nguồn dữ liệu lớn hiện có và xây dựng các hạ tầng công nghệ tương ứng để giải quyết những khó khăn, đáp ứng những yêu cầu thực tế đặt ra.

Chẳng hạn như, trong giai đoạn “cao điểm” bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hệ thống y tế của Hàn Quốc đứng trước nguy cơ sụp đổ do quá tải; không thể đủ số lượng bệnh viện công kèm theo đó là áp lực rất lớn với hệ thống BHYT.

Để đảm bảo nâng cao hiệu quả, công suất sử dụng giường bệnh, Cơ quan BHYT Quốc gia của Hàn Quốc (NHIS) đã sử dụng nguồn dữ liệu lớn hiện có, tiến hành phân tích thông tin y tế, lịch sử điều trị, khám sức khỏe cơ bản và hồ sơ chăm sóc dài hạn của từng bệnh nhân, đặc biệt tập trung vào 15 loại bệnh mãn tính. Thông tin có được đã cho phép phân loại rủi ro của bệnh nhân, qua đó giúp cho quá trình điều trị hiệu quả và phân bổ nguồn lực của các bệnh viện chăm sóc theo hướng hợp lý hơn, ngăn chặn việc dẫn đến quá tải.

Cũng tại Hàn Quốc, cách làm đổi mới của Cơ quan Phúc lợi và đền bù cho NLĐ (COMWEL) cũng được xem là một ví dụ tiêu biểu về sử dụng, phân tích dữ liệu một cách hiệu quả.

Theo đó, khi chế độ đền bù được mở rộng, để đảm bảo nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ, phục hồi cho NLĐ, COMWEL đã phát triển Hệ thống khuyến nghị phục hồi chức năng thông minh (IRRS). Đây là một hệ thống có tính toàn diện, sử dụng công nghệ AI để thực hiện phân tích dữ liệu lớn về chấn thương trong lao động; từ dữ liệu các trường hợp bị tai nạn lao động, thương tật trước đó, hệ thống phân tích và đưa ra các khuyến nghị đối với những trường hợp cần hoạt động tích cực và thiết kế cho họ các dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp, có tính khoa học. Để xây dựng hệ thống này, COMWEL đã tiến hành phân tích, lọc trên 98 triệu phần dữ liệu về cường trường hợp cá biệt. Tháng 12/2020, IRRS đã được Cơ quan Hiệp hội Thông tin thông minh Hàn Quốc công nhận là chương trình cung cấp dịch vụ tốt nhất trong khu vực công.

Cách làm của Cơ quan BHYT Quốc gia (NHIS) và Cơ quan Phúc lợi và đền bù cho NLĐ (COMWEL) tại Hàn Quốc là minh chứng tiêu biểu cho việc sử dụng dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng lực quản trị và cung ứng dịch vụ chất lượng theo hướng hiện đại hơn của các tổ chức ASXH.  

Tại các quốc gia khác, nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và tối ưu hóa nguồn dữ liệu lớn cũng rất đáng ghi nhận.

Cơ quan BHYT quốc gia của Indonesia - BPJS Kesehatan đã thành lập một Hệ thống thực hiện các chức năng giám sát, đánh giá (MONTILA) qua đó tăng cường kiểm soát quy trình nội bộ và giám sát trực tiếp việc thực hiện việc đưa ra các quyết định thanh toán dịch vụ.

Hệ thống này cũng có tính năng nhân diện bước đầu các hồ sơ có có dấu hiệu bất hợp lý, cụ thể đã đưa ra cảnh báo với 29.990 trường hợp có tiềm ẩn nguy cơ gian lận, tổng chi phí lên đến gần 42 triệu USD. Hiệu quả được thấy rõ, năm 2020, MONTILA thu hồi hơn 17 triệu USD dựa trên việc phát hiện các sai phạm trong các hồ sơ đề nghị thanh toán.

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng đang được thực hiện rất chủ động, cùng với đó là xu hướng ứng dụng Biadata và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã và đang đạt kết quả tích cực.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã cập nhật toàn bộ dữ liệu của trên 16 triệu NLĐ tham gia BHXH, BH thất nghiệp; 88 triệu người tham gia BHYT trên hệ thống dữ liệu chung của Ngành, chấm dứt phương thức quản lý thủ công. Xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) với 6 trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu công dân, gần 27 triệu hộ gia đình trên toàn quốc, là nền tảng hình thành CSDL quốc gia về bảo hiểm. Trên cơ sở đó, toàn bộ các quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách đều được thực hiện trên phần mềm liên thông, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm nghiệp vụ khác.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng đã chú trọng đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành. Có thể kể đế việc kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động 2 chiều với Tổng cục Thuế; kết nối, liên thông với Bộ Tư pháp dữ liệu khai sinh, khải tử để phục vụ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết, chi trả chế độ tử tuất, mai táng phí; liên thông dữ liệu với gần 13.000 cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc; kết nối với 05 ngân hàng thương mại để thực hiện thanh toán thu, chi điện tử; nhất là kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư, chia sẻ để xác thực thông tin của trên 32 triệu công dân...

Quan trọng hơn, BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của Ngành; ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Xây dựng hệ thống các phần mềm, liên thông trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của Ngành; từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và DN với 4 dịch vụ cơ bản (dịch vụ tin nhắn SMS; dịch vụ thanh toán trực tuyến; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời tự động bằng trí tuệ nhân tạo); Phân tích, khai thác dữ liệu lớn Bigdata…).

Mai Hồng Ngọc