Ưu tiên xếp lương cho giáo viên cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp

Thứ Ba, 07 /11/2023 12:40

Chất vấn đối với lĩnh vực nội chính, tư pháp sáng 7/11, các ĐBQH tập trung quan tâm chính sách cải cách tiền lương, thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp trong đó có đội ngũ nhà giáo…

Trích lập quỹ 560.000 tỉ đồng đủ cải cách tiền lương trong 3 năm

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về cải cách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN, đến nay Chính phủ đã bố trí đủ nguồn ngân sách (560.000 tỉ đồng) để triển khai đồng bộ cả 6 nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Đồng thời, đảm bảo mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực DN; đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ NSNN được cải thiện; hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư.

Bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương đã giảm 17 Tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 Cục và 145 Vụ/ban thuộc Tổng cục và thuộc Bộ; ở địa phương giảm được 7 sở, 6 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức cấp phòng và tương đương; giảm 7.732 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 563 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế viên chức hưởng lương từ NSNN giảm 11,67% là cơ sở tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. “Về giải pháp chủ yếu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, kịp thời vào thời điểm từ ngày 1/7/2024, sẽ trình cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Tập trung triển khai Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về cải cách chính sách tiền lương ngay sau khi được Quốc hội thông qua. Thực hiện các giải pháp tài chính để tạo nguồn bảo đảm thực hiện cải cách chính sách tiền lương bền vững; xây dựng quy định về cơ chế quản lý tiền lương mới của khu vực công trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo làm cơ sở để thực hiện chế độ tiền lương mới”- Bộ trưởng Trà cho biết.

Ưu tiên tiền lương ngành giáo dục

Trả lời chất vấn của ĐB Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) về giải pháp cải thiện lương của nhân viên trường học vì hiện nay lương nhân viên trường học chưa tới 3 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là câu hỏi rất thiết thực. Hiện nay, nhân viên trường học gồm thủ quỹ, kế toán, văn thư có 150.000 viên chức. Chế độ lương với nhân viên trường còn rất thấp, chưa bảo đảm lương tối thiểu vùng theo quy định. Do đó, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị địa phương tổng rà soát nhân viên trường học, có phương án sắp xếp đúng danh mục vị trí việc làm để cải cách tiền lương với nhóm này. “Họ là viên chức, không được hưởng phụ cấp công vụ 25%, nên nếu cải cách tiền lương mới có thể sẽ bị thiệt thòi. Trong khi địa phương, Bộ, ngành chưa hướng dẫn thi thăng hạng viên chức. Thời gian tới sẽ xét thăng hạng cho nhân viên là viên chức trường học”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Trần Kim Yến (TP.HCM) cho biết, trong tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động rất cần thiết. Tuy nhiên, tinh giản mang tính chất cào bằng cơ học đang ảnh hưởng rất nhiều đến ngành giáo dục khi rất nhiều địa phương chia sẻ đang thiếu rất nhiều giáo viên nhưng việc tuyển dụng giáo viên đang cực kỳ khó khăn. Chưa kể giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có có nguyên nhân là do quá nhiều áp lực và thu nhập chưa đủ sống. Mặt khác, đề án vị trí việc làm trong nhà trường không có chức danh giám thị. Đây cũng là thêm một áp lực dành cho nhà trường và giáo viên. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp giải quyết vấn đề trên?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn vừa qua và quán triệt với chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, cả hệ thống chính trị đã hết sức nỗ lực và có những thành công bước đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Giai đoạn 2017-2021, chúng ta đã tinh giản biên chế được 10,01% và giảm được 11,67% viên chức hưởng lương từ NSNN. Hai khái niệm này có khác nhau. “Trong số viên chức hưởng lương từ NSNN thì ngành giáo dục giảm 6,4%; còn lại toàn ngành y tế giảm 32% do thúc đẩy được tự chủ, chuyển số biên chế đó sang hưởng lương tự chủ”- Bộ trưởng Trà giải thích thêm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương thực hiện việc giảm biên chế viên chức hưởng lương từ NSNN thì lại cắt hẳn biên chế đi. Do vậy, thiếu số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục. Ngành giáo dục có tính đặc thù nên việc thiếu giáo viên thường xuyên đang diễn ra. Vì vậy, để giải quyết bài toán mà ĐB nêu, cần thống nhất với nhau về mặt nhận thức, với viên chức cần tập trung một cách đồng bộ, quyết liệt để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ NSNN nhưng vẫn phải đảm bảo được số lượng người làm việc cho đơn vị sự nghiệp, tức là thúc đẩy tự chủ, làm sao để xã hội hóa, giảm được số viên chức được hưởng lương từ NSNN. Mặt khác, ngành giáo dục cần tập trung cho việc hoàn thiện hệ thống thể chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rà soát, xem xét lại; tới đây sẽ ban hành Luật Nhà giáo để có giải pháp đảm bảo được những vấn đề cơ bản nhất đảm bảo đời sống, số lượng và chất lượng trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp giáo dục. Song, trước mắt khẩn trương sửa đổi Thông tư 06 và Thông tư 11 về định mức giáo viên và học sinh trên lớp. Đồng thời, sửa Nghị định 81 để đảm bảo việc thực hiện thu phí cho tất cả các cơ sở giáo dục, từ mầm non cho đến đại học; khẩn trương rà soát để có hướng dẫn để rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp phù hợp.

Liên quan đến câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, trong việc thực hiện các chính sách cải cách tiền lương tới đây, quan điểm của Đảng về lương nhà giáo được ưu tiên xếp thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp tới đây là rất nhất quán. Trước mắt cần nhìn một cách tổng thể, tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm có lương và tiền lương theo các bậc chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp lương, tuy nhiên do tính chất đặc thù nên vẫn còn thấp. Do đó, khi thực hiện các chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương, đó là lương nhà giáo được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp và điều này là nhất quán. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.

V.Thu