Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT

Thứ Tư, 25 /09/2024 12:38

Ngày 25/9, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cần rà soát kỹ để đảm bảo công bằng, không bỏ sót đối tượng tham gia, không để ai bị giảm hay mất quyền lợi so với hiện tại.

Đảm bảo tính khả thi, công bằng

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 15 năm thi hành Luật BHYT, cả nước có 93,3 triệu người- tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT. Thực tiễn đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu KCB của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập cần điều chỉnh như: Đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; đa dạng hóa các gói BHYT và quy định liên kết với BHYT thương mại.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, do một số quy định cần sửa đổi ngay để đồng bộ với Luật BHXH 2024 và các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2025, nên trước mắt cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để khắc phục các bất cập mang tính cấp bách. “Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật BHXH 2024; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định; bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân…”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cấp thẻ BHYT, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát từng đối tượng mới được bổ sung vào Dự thảo Luật để quy định cụ thể việc lập danh sách cấp thẻ BHYT. Đồng thời, đề nghị có quy định nguyên tắc liên quan đến thẻ BHYT điện tử và việc cấp thẻ BHYT điện tử để phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình Dự án Luật

Thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cử tri có nhiều kiến nghị về chuyển BHYT và thanh toán BHYT. Do đó, cần rà soát, khắc phục vướng mắc vấn đề này; đồng thời cần cấp thẻ BHYT điện tử để loại bỏ dần thẻ giấy. “Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề thẻ BHYT điện tử thì rất tốt. Bên cạnh đó, người có thẻ BHYT cần được cấp các loại thuốc trong danh mục thuốc BHYT. Trường hợp không cấp được, người dân phải đi mua thuốc ở ngoài mà thuốc nằm trong danh mục thuốc BHYT, thì quỹ BHYT phải trả tiền”- Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định đề xuất.

Đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia

Cho ý kiến về Dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thách thức lớn hiện nay là bảo đảm tốt hơn quyền lợi người tham gia BHYT, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở. Do đó, Luật phải tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung thật sự cần thiết, cấp bách, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023; tháo gỡ bất cập, vướng mắc đã được tổng kết qua thực tiễn và bảo đảm tính khả thi.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị không được phân biệt đối xử và phải đảm bảo công bằng giữa KCB dịch vụ và KCB BHYT. Vấn đề này cần giải quyết căn cơ tận gốc; đồng thời cần định hướng bao phủ BHYT toàn dân, đảm bảo công bằng, không bỏ sót đối tượng… “KCB cho người dân là việc thường xuyên, nhưng cần đặc biệt quan tâm ở những vùng khó khăn. Việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT phải khả thi, công bằng, đảm bảo khả năng cân đối của quỹ BHYT và điều kiện xã hội”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu

Làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, những năm qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan tham gia sửa đối Luật BHYT và nhất trí đề xuất sửa đổi 4 chính sách rất cấp bách, cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách BHYT. “Khi sửa đổi đảm bảo sự công bằng, minh bạch; đảm bảo quyền lợi của người bệnh khi tham gia BHYT; đảm bảo công tác cải cách TTHC để tiện lợi nhất, đơn giản nhất cho người tham gia BHYT”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, độ bao phủ BHYT những năm qua ngày càng tăng và tiệm cận BHYT toàn dân; trung bình mỗi năm có khoảng 180 triệu lượt KCB BHYT- tương ứng khoảng 50 triệu người đi KCB trong năm. Như vậy, để đảm bảo thanh toán đầy đủ và cải cách TTHC cho 180 triệu lượt này là sự cố gắng của ngành BHXH và ngành Y tế, nhất là vừa đảm bảo quyền lợi, vừa đảm bảo cân đối quỹ BHYT. “Những vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB được Bộ Y tế và ngành BHXH phối hợp chặt chẽ. Trong năm 2024, đã giải quyết gần 10.000 tỷ vướng mắc từ năm 2016 đến nay…”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thông tin.

Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, hiện nay dữ liệu KCB BHYT đã được lưu trữ đầy đủ và đưa lên hệ thống, giúp quản lý và phòng chống được trục lợi BHYT. Thậm chí, hiện nay có nhiều người trong tháng đi khám 3-4 lần hay một năm đi khám mấy chục lần đều có trong CSDL; đặc biệt cơ quan BHXH đều có thông báo và cảnh báo kịp thời đến các cơ sở KCB. “Vừa rồi, chúng tôi đưa ra một số trường hợp rất vô lý, trong đó có trường hợp người bệnh, cơ sở KCB bắt tay nhau để trục lợi; tự người bệnh đi khám như vậy để lấy thuốc ra bán. Nhưng tình trạng này bây giờ đã hạn chế rất nhiều do cơ quan BHXH đã có cảnh báo”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh dẫn chứng.

Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, khi Luật này được Quốc hội thông qua, sẽ giúp tăng thêm khoảng 1,8 triệu người tham gia- trong số 7% chưa tham gia BHYT. “Đây đều là những người yếu thế và chúng tôi sẽ đánh giá lại sau mỗi trận bão hoặc khi được công nhận nông thôn mới khiến số lượng người được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT giảm đi. Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành Y tế để tuyên truyền bằng nhiều giải pháp, để nhóm đối tượng này tham gia BHYT”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 theo đúng quy định. Trong đó, cần đánh giá tác động đến khả năng cân đối quỹ BHYT khi mở rộng đối tượng tham gia, mở rộng phạm vi được hưởng cho người bệnh BHYT và tỷ lệ được hưởng của một số nhóm đối tượng nhằm bảo đảm tính khả thi và thuyết phục.

Vũ Thu