Agribank sẵn sàng nguồn vốn thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao
Agribank đã sẵn sàng cung ứng nhu cầu vốn tín dụng và dịch vụ tài chính nhằm triển khai thành công Đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL đến năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Đáng chú ý là xây dựng các sản phẩm tín dụng chuyên biệt đối với từng nhóm khách hàng cá nhân, hộ nông dân, HTX, DN để có thể triển khai ngay khi UBND các tỉnh, thành phố và Bộ NN&PTNT công bố danh sách các vùng chuyên canh, các liên kết, chủ thể tham gia Đề án.
Ngày 7/11/2024, tại Đồng Tháp, NHNN Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chủ trì Hội nghị có ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Thường trực NHNN, ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Phạm Thiện Nghĩa- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Hà Thu Giang- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) và ông Phạm Toàn Vượng- Tổng Giám đốc Agribank.
Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Thường trực NHNN nhấn mạnh, nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, DN vùng ĐBSCL phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và sản xuất lúa chất lượng cao nói riêng; đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung cho vay, mở rộng hạn mức tín dụng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay... để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất (phân bón, giống, vật tư...) đến khâu chế biến, thu mua, tiêu thụ nông sản và lúa gạo; qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quan hệ tín dụng cho hộ dân, DN, HTX sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.
Theo đó, Chương trình cho vay theo 2 giai đoạn (căn cứ theo 2 giai đoạn triển khai Đề án), trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030. Về nguồn lực và nguyên tắc cho vay, TCTD thực hiện cho vay bằng nguồn vốn tự huy động của TCTD; do đó việc cho vay được thực hiện theo cơ chế thương mại với các điều kiện cho vay theo quy định hiện hành của TCTD đối với khách hàng. Đồng thời, các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm…
Ông Phạm Toàn Vượng- Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị
Thông tin tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg, Agribank đã ký kết Bản ghi nhớ với Bộ NN&PTNT cam kết sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ đến cá nhân, hộ nông dân, DN, HTX, tổ hợp tác tham gia Đề án. “Agribank rất vinh dự là ngân hàng duy nhất được lựa chọn thí điểm cho vay phục vụ Đề án trong giai đoạn 1 kéo dài đến năm 2025… Với nguồn lực tự có, Agribank sẽ hỗ trợ giảm lãi suất đối với khách hàng tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường”- ông Vượng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo ông Phạm Toàn Vượng, Agribank đang xây dựng các sản phẩm tín dụng chuyên biệt đối với từng nhóm khách hàng cá nhân, hộ nông dân, HTX, DN để có thể triển khai ngay khi UBND các tỉnh, thành phố và Bộ NN&PTNT công bố danh sách các vùng chuyên canh, các liên kết, chủ thể tham gia liên kết và định mức chi phí, định mức kinh tế kỹ thuật để sản xuất theo đúng tiêu chuẩn tại Đề án. Trước mắt, quy mô triển khai tối thiểu 30.000 tỷ đồng và trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục bổ sung. Các sản phẩm cho vay sẽ được tối ưu hóa về lãi suất, giảm bớt thủ tục trên cơ sở quản lý được dòng tiền trong liên kết, từ đó góp phần thực hiện thành công Đề án.
Bên cạnh cung ứng vốn tín dụng, Agribank còn cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính khác như: Dịch vụ tiền gửi, thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế, ngoại hối, bảo hiểm... Agribank đã sẵn sàng mọi điều kiện để phục vụ nguồn vốn của Đề án, cung cấp dịch vụ quản lý nguồn chi trả cho các đơn vị tham gia dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng của Đề án.
Bà Phùng Thị Bình- Phó Tổng Giám đốc Agribank hướng dẫn triển khai cấp vốn tín dụng
Nhân dịp này, bà Phùng Thị Bình- Phó Tổng Giám đốc Agribank đã hướng dẫn việc triển khai cấp vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng tham gia Đề án. Theo đó, đối với các đối tượng tham gia chuỗi liên kết trong Đề án, Agribank giảm lãi suất 1-2%/năm giúp các DN và nông dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn. Agribank cũng không giới hạn vốn cho vay trung, dài hạn và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của DN tham gia Đề án; đồng thời mong muốn xây dựng chuỗi liên kết khép kín, từ hộ nông dân, nhà cung cấp nguyên vật liệu, cho đến DN thu mua, chế biến và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp các bên giảm chi phí, được hưởng chính sách ưu đãi như phí dịch vụ và các điều kiện bảo đảm tiền vay.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và đại diện các DN, HTX cũng đã trao đổi, kiến nghị, đề xuất các giải pháp thực hiện Đề án. Trên cơ sở đó, đại diện Agribank cam kết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN, Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, các hiệp hội và đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các công việc cần thiết phục vụ Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Agribank cam kết sẽ tập trung tối đa nguồn lực ưu tiên triển khai Chương trình theo đúng chủ trương và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Cũng theo đại diện Agribank, tính đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 1 triệu tỷ đồng, chiếm 62% tổng dư nợ. Tại vùng ĐBSCL, dư nợ khu vực “Tam nông” chiếm tới 82% tổng dư nợ của vùng, trong đó dư nợ lĩnh vực lúa gạo đạt gần 33 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 47,5% dư nợ lúa gạo của toàn hệ thống Agribank.
Kim Ngân
- Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
- Điện lực Bình Định - Sáng mãi niềm tin
- Nợ BHXH đang là thách thức lớn trong quan hệ lao động tại TP.HCM
- BIC được vinh danh TOP1 Nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm Việt Nam khối doanh nghiệp lớn
- Huy động các nguồn lực để hỗ trợ sáng tạo báo chí chất lượng cao