Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Ngày 13/11, Bộ TT-TT tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024, nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT-TT) cho biết, ngày 14/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật, nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, năng lực; rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027. Từ đó, phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường (tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, lao động, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương); cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Để triển khai nhiệm vụ, giải pháp này, Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Tư Pháp và các bộ, ngành có liên quan tổ chức Hội nghị nhằm góp phần nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài ở Trung ương. “Chúng tôi hy vọng, các phóng viên, biên tập viên sẽ hiểu rõ và truyền tải tích cực, đầy đủ thông tin trên báo chí, qua đó chung tay, góp sức với Bộ TT-TT trong việc nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, DN và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại Việt Nam”- ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, TS.Lưu Hương Ly- Trưởng phòng Pháp luật dân sự (Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp) đã giới thiệu Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027. Theo đó, ghi nhận thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi DN không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật, mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.
Chương trình có 5 mục tiêu gồm: Nâng cao nhận thức, năng lực của các cơ quan nhà nước, DN và cộng đồng, đảm bảo Nhà nước ban hành chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế, xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các DN thực hành kinh doanh có trách nhiệm; đảm bảo các DN tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các DN thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật; nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của DN ở Việt Nam; hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027 bao gồm 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chính liên quan đến 5 lĩnh vực (đầu tư, lao động, môi trường, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng): Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp, người dân về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; hoàn thiện chính sách và pháp luật; nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật; chia sẻ thông tin, kết quả của các hoạt động trong các chương trình, đề án, diễn đàn, hội nghị quốc tế liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm; sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai Chương trình.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hòa- Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã trình bày với các đại biểu tham dự, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài ở Trung ương về các kỹ năng viết bài chủ đề thúc đẩy DN thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Theo ông Hòa, kinh doanh có trách nhiệm là hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật và thực hiện các biện pháp đánh giá, ngăn ngừa, giảm thiểu và khắc phục các tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh đối với môi trường, con người và xã hội, góp phần đóng góp cho xã hội và sự phát triển bền vững. Vì vậy, cần nâng cao năng lực truyền thông, cũng như lập kế hoạch truyền thông để thực hiện tuyến bài đem lại hiệu quả xã hội
Thanh Hằng
- Công đoàn tặng sổ tiết kiệm cho trẻ có cha mẹ tử vong do bão số 3
- Thái Nguyên: Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo
- Năm 2025: Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 95,15% dân số
- Phấn đấu hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo và người cận nghèo
- Agribank được vinh danh là “DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2024