Thái Nguyên: Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không có hộ tái nghèo, đã khẳng định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tại đây được triển khai bài bản, đúng quy định. Đồng thời, khẳng định rõ vai trò, chức năng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác giảm nghèo bền vững.
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Thái Nguyên vừa trải qua chặng đường giảm nghèo với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, hậu quả của dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã ảnh hưởng nhất định đến tình hình phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và đời sống của người dân nói riêng. Cùng với đó, những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều người DTTS sinh sống còn khó khăn về hạ tầng; nhiều hộ thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định, thiếu kinh nghiệm và vốn đầu tư cho phát triển kinh tế gia đình…
Hỗ trợ bò giống cho người dân trên địa bàn xã La Hiên (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên)
Xác định rõ những khó khăn, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, các cấp, các ngành chức năng tại Thái Nguyên đã đồng thuận vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao. Cụ thể, hằng năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Từ đó, đã góp phần làm thay đổi rõ nét trong nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, để triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra về công tác giảm nghèo, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy Đảng đã quyết liệt vào cuộc, với 100% cấp ủy đã xây dựng được chương trình hành động cụ thể.
Đáng chú ý, chỉ tiêu giảm nghèo được các Chi bộ, Đảng bộ xây dựng, thống nhất đưa vào Nghị quyết hằng tháng, hằng quý và trong nhiệm kỳ. Quyết không để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tăng cường lồng ghép hoạt động giữa các Chương trình MTQG với nhau; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và huy động nguồn lực trong nhân dân cho công tác giảm nghèo. Do đó, trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh Thái Nguyên đã huy động được gần 3.435 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gần 119 tỷ đồng (bao gồm hơn 98 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, gần 15,5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương).
Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có hơn 94 tỷ đồng thực hiện các dự án thành phần, trong đó vốn sự nghiệp có hơn 89,1 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển hơn 5 tỷ đồng. Nhờ phát huy cao vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội, công tác giảm nghèo trên địa bàn Thái Nguyên đã gặt hái được nhiều thành quả; số hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm nhanh. Cụ thể: Năm 2021 giảm hơn 4.200 hộ; năm 2022 giảm hơn 9.900 hộ; năm 2023 giảm hơn 7.200 hộ (bình quân giảm 1,26%/năm, trong khi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh giảm 1%/năm).
Qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, 100% nguồn vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo đến đúng đối tượng, bảo đảm nguồn vốn của Chương trình không bị thất thoát. Cụ thể, trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh có hơn 306.000 lượt người được hỗ trợ về thẻ BHYT; hơn 127.000 lượt người được hỗ trợ về ưu đãi giáo dục; chi trả trợ cấp xã hội cho hơn 125.000 lượt người; gần 46.800 lượt hộ được hỗ trợ tiền điện; hơn 85.500 lượt người được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đặc biệt, từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên đã cập nhật thông tin của 10.190 hộ nghèo và 9.516 hộ cận nghèo trên phần mềm quản lý để phục vụ công tác quản lý, thực hiện chính sách và đồng bộ với CSDL của Bộ Công an. Cùng thời gian này, toàn tỉnh có 280 hộ nghèo và hộ cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở, nâng tổng số hộ được hỗ trợ về nhà ở trên toàn tỉnh từ năm 2021 đến nay lên 3.226 nhà.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chính quyền tỉnh Thái Nguyên xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, tăng cường liên kết giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với các HTX, DN, tổ chức và cá nhân liên quan. Cùng với phát triển mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng-an ninh, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của kế hoạch và quy định của pháp luật…
Theo kế hoạch, năm 2024, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu giảm 3.486 hộ nghèo và hộ cận nghèo (giảm 2.710 hộ nghèo với tỷ lệ giảm 0,8%; giảm 776 hộ cận nghèo với tỷ lệ giảm 0,23%); hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu… cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Nguyệt Hà
- Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
- Điện lực Bình Định - Sáng mãi niềm tin
- Nợ BHXH đang là thách thức lớn trong quan hệ lao động tại TP.HCM
- BIC được vinh danh TOP1 Nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm Việt Nam khối doanh nghiệp lớn
- Huy động các nguồn lực để hỗ trợ sáng tạo báo chí chất lượng cao