Công thức 1: Giữa tham vọng kinh tế và trái tim tốc độ
Tuần qua, Thái Lan và Hàn Quốc đã nộp hồ sơ đăng cai, trong khi Ấn Độ, Rwanda cùng nhiều quốc gia khác đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm giành suất trong lịch đua F1. Cuộc đua giành quyền đăng cai này đã trở nên căng thẳng đến mức các đề xuất không chỉ còn là vấn đề thể thao đơn thuần.
Dù là UAE, hay Bahrain, hay Qatar, hay Saudi Arabia... đều nhìn nhận F1 như một yếu tố then chốt trong quá trình đa dạng hóa nền kinh tế của họ. Và các quốc gia cũng... nhìn thấy điều tương tự, dù đi chậm hơn 10 năm. CEO của F1, Stefano Domenicali, chia sẻ với hãng CNBC rằng: “Chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các thủ tướng, từ các chính phủ thực sự muốn đăng cai Grand Prix. Đây không phải là vấn đề chính trị, mà hơn thế, là một điều gì đó thực sự quan trọng. Nó cho thấy việc đăng cai tổ chức F1 đã và đang đóng vai trò thiết yếu trong hơi thở cuộc sống và kinh tế của nhiều quốc gia”.
Christian Sylt, người sáng lập và điều hành công ty Formula Money, chuyên cung cấp thông tin tài chính về F1, phân tích rằng “F1 đang nghiên cứu và chuẩn bị gia hạn hợp đồng với 4 địa điểm. Đối với các quốc gia có thể mất suất tổ chức, đây lại trở thành vấn đề nghiêm trọng. Đơn cử, giải đua F1 tại Bỉ mỗi năm đóng góp khoảng 248 triệu USD cho nền kinh tế nước này”.
Một chặng đua F1 thường thu hút 200.000-300.000 khán giả quốc tế, với thời gian lưu trú trung bình 3-5 ngày. Chi tiêu bình quân 1.000-1.500 USD/người/ngày cho khách VIP, như vậy, tổng doanh thu từ du lịch có thể đạt 200-300 triệu USD/chặng đua. Ngoài ra, BTC địa phương còn có doanh thu từ vé và quyền truyền hình, với giá vé dao động từ 100-5.000 USD tùy hạng - Doanh thu vé có thể đạt 50-100 triệu USD/chặng, thêm vào đó là 20-30 triệu USD/năm từ bản quyền truyền hình địa phương. Đó là một nguồn thu khó có thể bù đắp, trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại!
Chắc chắn sẽ có người thất bại trong cuộc tranh giành chiếc bánh mang tên F1, trị giá tới 1,5 tỷ USD/năm. Saudi Arabia được cho là đã cân nhắc mua lại F1, cũng tận dụng môn thể thao này để nâng cao sức hút của mình như một điểm đến du lịch, trong khi dùng bóng đá làm phương tiện quảng bá hình ảnh và văn hóa quốc gia Trung Đông này ra thế giới.
“Công thức 1 không chỉ trưng bày cuộc đua, mà còn trưng bày cả thành phố. Điều này rất tuyệt vời cho tác động kinh tế địa phương và di sản lâu dài mà nó tạo ra’, Robin Fenwick, CEO công ty tiếp thị thể thao Right Formula, nói với CNBC. “Hãy nghĩ về Monaco. Những con phố quanh cảng Monte Carlo là biểu tượng của sự hào nhoáng, quyến rũ và đua xe. Một số cửa hàng kiếm được gần ba tháng doanh thu chỉ trong bốn ngày. Nhưng vì nó diễn ra cùng thời điểm với Liên hoan phim Cannes, nên vùng Côte d'Azur thực sự là trung tâm của thế giới truyền thông công nghệ vào thời điểm đó”.
Những người theo chủ nghĩa truyền thống của F1 sẽ phản bác rằng trọng tâm thương mại cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến môn thể thao này. Thuật toán "định giá năng động" đã đẩy giá vé khán đài bốn ngày của Silverstone lên tới 600 bảng Anh (774 đô la) vào năm 2024, và vấp phải sự chỉ trích từ huyền thoại F1 Lewis Hamilton, người cảnh báo chống lại việc đẩy giá vé khiến các gia đình không thể tham dự. Tuy nhiên, Giáo sư Andrew Zimbalist, chuyên gia kinh tế thể thao, chuyên nghiên cứu về NASCAR và F1, nhấn mạnh: “Phần lớn sự tăng giá này đến từ sự gia tăng niềm hâm mộ trong các gia đình, đối với các Grand Prix cuối tuần. Các buổi hòa nhạc của các siêu sao toàn cầu như Ed Sheeran ở Miami và Stormzy tại Silverstone đã thu hút một lượng khán giả rộng lớn hơn đến các cuối tuần đua xe, đưa F1 tiến xa hơn vào dòng chính”.
Để tiếp tục phát triển, F1 cần phải đi trên một con đường hẹp giữa việc thu hút khán giả mới và giữ chân người hâm mộ trung thành. Điều này không chỉ đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về những trải nghiệm mới mà họ mang đến cho người hâm mộ, mà còn cả những sự kiện mà họ loại bỏ khỏi lịch thi đấu. Dù thích hay không, ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của F1 có nghĩa là bất kỳ quyết định nào cũng sẽ có tác động đáng kể đến một ai đó.
Hoàng Hương