Phim Việt về đề tài lịch sử: Thiếu do… sợ?

Thứ Năm, 14 /11/2024 09:13

Điểm mặt các phim Việt về đề tài lịch sử thời gian gần đây có lẽ chỉ trên đầu ngón tay. Tình trạng này được các chuyên gia “mổ xẻ” là do các nhà sản xuất, đạo diễn còn sợ: Sợ sai sót về lịch sử, sợ sự phán xét của giới chuyên môn và khán giả!

Tham dự Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII vừa qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Lâu nay, chúng ta luôn phải đối mặt với nỗi sợ hãi mơ hồ về lịch sử, vô hình trung kìm hãm sự sáng tạo trong dòng phim này”.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, 2 nền điện ảnh chuyển thể tác phẩm văn học lịch sử thành công phải kể đến là Mỹ và Trung Quốc. Các phim chuyển thể từ kịch bản văn học gốc là các tác phẩm rất sáng tạo, độc lập và cởi mở. Trong khi đó, ở nước ta, đề tài lịch sử lại đầy thách thức, mà thách thức này đến từ chính nhà làm phim, tác giả văn học và cả khán giả.

“Tác giả Việt Nam, nhà làm phim Việt Nam nhiều người tài năng có thể làm ra những bộ phim sáng giá, nhưng đề tài về lịch sử lại bị hạn chế rất nhiều. Khó khăn đến từ chính việc đôi khi nhà làm phim quá ý tứ với tác giả văn học hay có nỗi sợ hãi mơ hồ đối với lịch sử (nhân vật, đề tài). Chúng ta đang sợ hãi và tự ngăn cản mình. Chúng ta sợ hãi trí tưởng tượng, không dám phán định lịch sử. Chúng ta bị hạn chế trong tư duy nghệ thuật”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Khẳng định người làm phim có quyền sáng tạo trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không được quyền “phiêu”?, vì tác phẩm điện ảnh là hư cấu, là những sáng tạo nghệ thuật”. Do đó, theo ông, để có phim về đề tài lịch sử hay, thì nghệ sĩ phải sáng tạo hết mình, nhưng các nhà quản lý cũng phải có cái nhìn khác biệt và khán giả cũng vậy!

Đồng quan điểm, từ góc độ một nhà làm phim, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng: “Đúng là mọi người có một nỗi sợ, hoang mang, lúng túng khi tiếp cận đề tài lịch sử, mặc dù đây là một đề tài hấp dẫn. Nếu làm phim điện ảnh như là phản ánh một sự kiện lịch sử, thì câu chuyện sẽ rất khô khan, không có cảm xúc. Khó khăn của chúng ta là làm sao để có cái nhìn đúng đắn về một tác phẩm lịch sử”.

Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, để tạo nên một bộ phim lịch sử đúng đắn cần thể hiện được 2 sự thật, đó là sự thật về thực tế và sự thật về tinh thần, cảm xúc, tâm lý hành trình nội tâm, xung đột tâm lý của nhân vật. Đây là điều không có trong lịch sử, nhưng đó là trách nhiệm, vai trò của nhà làm phim, nhà biên kịch trong việc cài cắm những ý nghĩa và thông điệp, kết nối với cảm xúc, với khán giả đương đại và xây dựng nhân vật lịch sử như một con người sống động.

PGS-TS.Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, nên khuyến khích làm phim lịch sử sao cho hấp dẫn hơn, trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử. Nhưng lịch sử cũng có nhiều góc khuất không văn bản nào lưu giữ, nên khi làm phim, nghệ sĩ có quyền sáng tạo để tác phẩm hấp dẫn hơn, dễ đi vào trái tim khán giả hơn.

Thời gian qua, đã có những trại sáng tác kịch bản, nhiều cuộc thi kịch bản nhân các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, với nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng… Điều này nhằm khuyến khích nghệ sĩ quan tâm đến đề tài lịch sử. Và, trách nhiệm của người nghệ sĩ-công dân là cần phải có nhận thức đúng đắn về lịch sử, để làm ra được những tác phẩm vừa tôn trọng sự thật lịch sử, vừa có chất lượng nghệ thuật.

Minh Anh