Vang danh nghề cổ

Thứ Ba, 12 /11/2024 09:20

NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách “Vang danh nghề cổ”, giới thiệu 6 cuốn đầu tiên về các làng nghề thủ công truyền thống ở nước ta. Bộ sách là tâm huyết của các tác giả, với mong muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tinh hoa nghề cổ…

Có cơ duyên đi khắp Việt Nam, gặp gỡ, trò chuyện cùng nhiều nghệ nhân tài hoa, anh Thành Nguyễn- một trong những tác giả của “Vang danh nghề cổ” chia sẻ: “Khi chắp bút cho bộ sách này, chúng tôi không chỉ hướng tới cung cấp cho độc giả quy trình làm ra sản phẩm của làng nghề, mà còn muốn độc giả biết được sự tài hoa của nghệ nhân nước mình, hiểu được văn hóa, tín ngưỡng và tập tục vùng đất đó”.

Để truyền tải câu chuyện về những nghề cổ truyền theo cách dễ hiểu và sống động nhất, mỗi cuốn trong bộ “Vang danh nghề cổ” được xây dựng giống như một tập phim. Nhân vật chính của bộ sách là cô bé An khoảng 7 tuổi, vô cùng lém lỉnh, thông minh và ham học hỏi. Qua câu chuyện gợi mở về những đồ dùng gần gũi trong nhà hay những kỷ niệm của gia đình, bé An đã có cơ hội cùng ông bà, bố mẹ có những chuyến trải nghiệm đầy thú vị tại các làng nghề truyền thống ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đó là xứ lụa Tân Châu- nơi tạo ra huyền thoại lụa Lãnh Mỹ A (An Giang); làng rèn Vân Chàng (Nam Định) có lịch sử hơn 7 thế kỷ; làng mộc Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội); làng nghề mỹ nghệ-trang sức Đồng Xâm (Thái Bình); làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận)- nơi gìn giữ kỹ thuật nung gốm lộ thiên cổ xưa; đảo ngọc Phú Quốc với nghề làm mắm trứ danh…

Khi đến thăm mỗi vùng đất, gia đình bé An đều ghé qua các xưởng nghề, gặp gỡ các nghệ nhân để nghe họ giới thiệu về quy trình cơ bản tạo ra sản phẩm thủ công nức tiếng bốn phương. Bên cạnh đó là những câu chuyện về lịch sử làng nghề thuở sơ khai, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ẩn chứa trong mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các lễ hội nghề dân gian độc đáo, bức tranh làng nghề xưa và nay, cùng những sự thay đổi để thích ứng với thời cuộc… Với cách truyền tải dễ hiểu, cô đọng kiến thức, hình hóa, những nội dung kiến thức có tính “chuyên môn”, đặc thù… đã trở nên dễ hiểu, dễ đọc với độc giả trong độ tuổi tiểu học.

Tham gia dự án “Vang danh nghề cổ” là các họa sĩ trẻ Bùi Xuân Quỳnh, NGART, Ruốc Đặng. Nhóm họa sĩ đã có quá trình nghiên cứu, tìm hiểu nhiều tư liệu lịch sử-văn hóa để bảo đảm tính chính xác và chân thực của mỗi hình minh họa, mang đến lượng thông tin và kiến thức rất phong phú về các nghề truyền thống. Họa sĩ Bùi Xuân Quỳnh chia sẻ: “Chúng tôi đã nỗ lực làm cho nội dung trở nên dễ hiểu và gần gũi, giúp các em nhỏ không chỉ cảm nhận được nét đẹp của nghề truyền thống, mà còn dễ dàng liên tưởng và đồng cảm với các câu chuyện”.

Bộ sách có minh họa tươi sáng, gần gũi, mang đậm màu sắc Việt, giúp các em nhỏ thêm yêu mến và trân trọng nét đẹp làng nghề truyền thống, thôi thúc cộng đồng chung tay gìn giữ và bảo tồn những nghề cổ đã vang danh sử sách.

Trước đó, “Vang danh nghề cổ” đã phát hành 6 cuốn tại hệ thống nhà sách trên toàn quốc gồm: Lãnh Mỹ A- Huyền thoại lụa, Làng mộc Chàng Sơn- Nét chạm của thời gian, Chạm bạc Đồng Xâm- Gìn giữ tinh hoa, Làng rèn Vân Chàng- Lửa rèn còn mãi, Nước mắm Phú Quốc- Vị ngon đảo ngọc, Làng gốm Bàu Trúc- Đất vàng trên cánh đồng thiêng.

Thời gian tới, bộ sách sẽ ra mắt thêm 4 cuốn viết về Thúng chai Phú Mĩ- Vươn khơi bám biển, Trống Đọi Tam- Rền vang tiếng sấm, Phường đúc Huế- Kiệt tác di sản, Giấy dó bản Sưng- Vẻ đẹp bình dị.

Minh Anh