Đóng BHXH cho người lao động nước ngoài được thực hiện như thế nào?
Trong bối cảnh nền kinh tế mở, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng, nên việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho nhóm lao động này hết sức cần thiết. Mặc dù Luật BHXH năm 2024 đã thể chế hóa, song nhiều doanh nghiệp và người lao động vẫn chưa hiểu rõ quy định về đóng BHXH và chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tại Việt Nam.
Đóng BHXH, BHYT cho người lao động nước ngoài như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh cho biết, chế độ BHXH cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định tại Luật BHXH năm 2024 và Nghị định số 158/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Theo đó, các nội dung về đối tượng, mức đóng và thủ tục hồ sơ tham gia BHXH cho người nước ngoài tại Luật BHXH năm 2024 như sau: Căn cứ theo Khoản 2, Điều 2 Luật BHXH năm 2024, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc khi có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được ký kết với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Quy định mức đóng BHXH cho người nước ngoài tương tự như đối với người lao động Việt Nam. Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động sẽ cùng đóng. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc với mức đóng như sau:
Đóng 8% trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất (theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 158/2025/NĐ-CP và Điểm a, Khoản 1, Điều 33 của Luật BHXH năm 2024). Đóng 1,5% trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ BHYT (theo quy định tại Điều 18 Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017). Người nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BH thất nghiệp nên không cần đóng khoản này.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định để đóng BHXH cho người nước ngoài bao gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung kèm theo (không bao gồm các khoản phúc lợi, chế độ thưởng theo Bộ luật Lao động). Mức tối đa bằng 20 lần lương cơ sở và mức thấp nhất bằng mức tham chiếu theo quy định của Chính phủ.
Tổng cộng, người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 1/7/2025 hàng tháng phải đóng 9,5% trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc cho người lao động nước ngoài với các tỷ lệ như sau: Tỷ lệ 17% trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ BHXH (theo quy định tại Khoản 1, Điều 34 Luật BHXH năm 2024), trong đó: 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau và thai sản.
Lưu ý, nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, có văn bản đề nghị và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) chấp thuận, thì có thể được áp dụng mức đóng thấp hơn là 0,3% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp. Tổng cộng, người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho lao động nước ngoài là 20,5% mức tiền lương đóng BHXH.
Như vậy, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài là 30% trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH trong đó người lao động đóng 9,5% và người sử dụng lao động nước ngoài đóng 20,5%.
Thủ tục đóng BHXH cho công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, về cơ bản, sử dụng một số biểu mẫu tương tự đối với lao động trong nước. Tuy nhiên, đơn vị và người lao động cần lưu ý một số quy định đặc biệt.
Khi phát sinh lao động nước ngoài phải đóng BHXH, đơn vị cần chuẩn bị các giấy tờ sau: Mẫu TK3-TS - tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin ban hành theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH; mẫu D02-TS - danh sách kê khai báo tăng lao động nước ngoài tham gia BHXH.
Người lao động là công dân nước ngoài khi tham gia đóng BHXH sử dụng tờ khai tham gia, điều chỉnh BHXH, BHYT theo mẫu TK1-TS mới nhất do cơ quan BHXH ban hành để kê khai và chỉ dùng khi chưa được cấp mã BHXH.
Lưu ý, khi điền thông tin, các trường dữ liệu về họ tên, quốc gia, giới tính phải được ghi theo phiên âm quốc tế. Hồ sơ cá nhân đính kèm là bản đã được dịch sang tiếng Việt và có chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Có được cộng dồn quá trình tham gia BHXH không?
Nhiều DN băn khoăn về việc lao động nước ngoài có được cộng dồn quá trình tham gia BHXH không? Liên quan vấn đề này, theo BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đã và đang đàm phán và có định hướng ký kết Hiệp định song phương về BHXH với một số quốc gia. Hiệp định có nội dung về việc ghi nhận quá trình tham gia BHXH của lao động người Việt tại nước ngoài và lao động nước ngoài tham gia BHXH tại Việt Nam khi hai nước ký kết song phương.
Điển hình là, từ ngày 1/1/2024, Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức có hiệu lực. Do đó, người Hàn Quốc làm việc và tham gia BHXH tại Việt Nam sẽ được tính cộng dồn với quá trình tham gia BHXH trong nước từ trước đó.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng lưu ý, có một số trường hợp lao động nước ngoài không đóng BHXH bắt buộc nếu đáp ứng điều kiện sau:
Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 gồm có: Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam; người lao động di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.
Lao động đó đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2, Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Lưu ý, trong trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì người lao động không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Khi tham gia BHXH bắt buộc, người lao động nước ngoài được hưởng các chế độ như đối với người lao động Việt Nam gồm có: Chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, lao động là công dân nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BH thất nghiệp.
Lê Văn
Đến bộ phận "Một cửa" của BHXH cơ sở Hội An Tây làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần, ông Brian David Lamm- công dân Mỹ chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam vào tháng 10/2023 và chọn Hội An làm nơi sinh sống, làm việc. Ngay từ đầu, tôi đã được tư vấn đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT; dù chưa nắm hết mọi khía cạnh, nhưng tôi vẫn tham gia theo đúng quy định. Nay do trở về nước, tôi được hỗ trợ hoàn tất thủ tục nhận BHXH một lần rất nhanh chóng và chu đáo. Tôi thực sự hài lòng và cảm ơn”. Nhận định về việc này, bà Nguyễn Thị Hải- Phó Giám đốc BHXH cơ sở Hội An Tây (TP.Đà Nẵng) cho biết, tính đến hết tháng 6/2025, BHXH cơ sở Hội An Tây đang quản lý 48 đơn vị với hơn 200 lao động là người nước ngoài tham gia BHXH, BHYT. Vừa qua, nhiều người lao động đã liên hệ với đơn vị giải quyết chế độ BHXH, BHYT. |
- Giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho các chủ hộ kinh doanh đủ điều kiện hưởng theo quy định
- Người dân không bị gián đoạn quyền lợi BHYT do thay đổi địa giới hành chính
- Nhiều người dân Cần Thơ tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
- Quyết liệt thu nợ BHXH, bảo vệ quyền lợi của người lao động
- BHXH Việt Nam: Tích cực ngăn chặn hoạt động đánh cắp dữ liệu từ mạng lưới phần mềm độc hại