Người dân không bị gián đoạn quyền lợi BHYT do thay đổi địa giới hành chính

Thứ Tư, 23 /07/2025 10:14

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong nội dung trả lời kiến nghị cử tri TP.Hồ Chí Minh gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Trong Công văn số 602/BDN ngày 21/5/2025 của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, có một số kiến nghị của cử tri TP.Hồ Chí Minh (bao gồm kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây) gửi đến Bộ Y tế.

Theo đó, cử tri quan tâm đến việc sáp nhập và xóa cấp huyện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống y tế tại cấp huyện như Côn Đảo? Chính sách nào được ban hành để bảo đảm duy trì đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất, nguồn lực và đặc biệt là quyền lợi BHYT của người dân không bị gián đoạn hoặc thiệt thòi sau sáp nhập?

Về nội dung này, Bộ Y tế đã có Công văn số 4794/BYT-VPB ngày 21/7/2025 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, trả lời kiến nghị cử tri TP.Hồ Chí Minh gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, Bộ Y tế đã có Công văn số 2147/BYT-TCCB ngày 12/4/2025 hướng dẫn định hướng sắp xếp, tổ chức lại cơ sở y tế tại đơn vị hành chính các cấp, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Nguyên tắc chung là không xóa bỏ hoặc làm gián đoạn hệ thống y tế cơ sở hiện có, mà tổ chức lại phù hợp với mô hình chính quyền mới, bảo đảm người dân tiếp tục được tiếp cận dịch vụ y tế công bằng và thuận tiện.

Ngày 23/6/2025, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 20/2025/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông tư này là căn cứ quan trọng nhằm hướng dẫn cụ thể việc duy trì và củng cố hệ thống y tế tuyến huyện trong quá trình sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị hành chính, góp phần bảo đảm ổn định hoạt động chuyên môn và quyền lợi chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Về bảo đảm nguồn lực, Bộ Y tế đang triển khai Đề án kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2025-2030, trong đó có nội dung duy trì biên chế, ổn định đội ngũ y bác sĩ tại các địa bàn đặc thù, kết hợp với các chính sách thu hút và giữ chân nhân lực.

Các nội dung này được triển khai theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và Dự án 585 (ban hành kèm theo Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/2/2013) về đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, huyện đảo.

Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đầu tư trung hạn, không bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập hành chính.

Đối với quyền lợi BHYT của người dân, theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT năm 2008, được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 51/2024/QH15, quy định người có thẻ BHYT vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi theo mức hưởng đúng tuyến khi đi khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh mới do thay đổi nơi cư trú hoặc do thay đổi đơn vị hành chính (hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025). Người dân vẫn được khám chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu hoặc được chuyển tuyến theo quy định.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, đang phối hợp với BHXH Việt Nam cập nhật danh mục cơ sở khám chữa bệnh trong hệ thống dữ liệu, bảo đảm người dân không bị gián đoạn quyền lợi do thay đổi địa giới hành chính.

Đối với các địa bàn đặc thù như Côn Đảo, chính quyền địa phương có thể tiếp tục đề xuất cơ chế đặc thù để bảo đảm điều kiện nhân lực, tài chính và hạ tầng y tế. Các chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cũng tiếp tục được thực hiện theo quy định và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giám sát, hướng dẫn và bảo đảm việc sắp xếp tổ chức hành chính không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống y tế, góp phần ổn định đời sống nhân dân và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Minh Đức