Hệ thống an sinh xã hội Châu Âu nỗ lực ứng phó với già hóa dân số

Thứ Tư, 20 /04/2022 16:43

Già hóa dân số là vấn đề toàn cầu, nhưng tại khu vực Châu Âu, vấn đề này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội các quốc gia tại đây phải nỗ lực triển khai các giải pháp khẩn trương.

Nhiều lo ngại

Theo ước tính, đến năm 2050, Châu Âu sẽ là khu vực có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới. Ngay ở thời điểm hiện tại, 20% dân số của khu vực Châu Âu đang ở độ tuổi trên 65; đến năm 2070, dự báo con số này sẽ đạt 30%. Đồng thời, tỷ lệ người trên 80 tuổi dự kiến cũng ​​sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt 13% tổng dân số vào năm 2070.

Với xu hướng hiện tại, dân số của khu vực Châu Âu dự kiến cũng ​​sẽ giảm 5%. Do số người cao tuổi tăng, nên tỷ số phụ thuộc (tỷ số giữa số người phụ thuộc so với những người trong độ tuổi lao động) sẽ tăng từ 35% lên 60%. Tỷ số ở mức trung bình này thực tế không phản ánh hết lo ngại tại một số vùng/quốc gia ở Châu Âu. Tại một số nơi, chẳng hạn như Ba Lan, tỷ số phụ thuộc thậm chí có thể lên tới 90%.

Trước mắt, việc giảm tỷ lệ sinh, đặc biệt rõ rệt ở phía Nam và phía Đông của khu vực, và sự gia tăng tuổi thọ đang khiến nhiều quốc gia ở Châu Âu rơi vào thời kỳ “già hóa rõ rệt”, trong đó tỷ lệ dân số phụ thuộc (gồm trẻ em và người già không còn khả năng lao động) tăng nhanh hơn dân số đang lao động.

Già hóa dân số sẽ mang đến gánh nặng lớn cho hệ thống y tế. Tỷ lệ người mắc các loại bệnh về tim mạch, hô hấp, tăng đường huyết, cholesterol cao và ung thư ngày càng gia tăng. Thực tế này sẽ khiến tỷ lệ tử vong tăng cao, nếu chẳng may nhiễm các loại bệnh lây nhiễm, tiêu biểu như Covid-19 sẽ đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi có sẵn bệnh nền.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Các quốc gia Châu Âu đã và đang triển khai nhiều chính sách để đảm bảo già hóa tích cực. Tỷ lệ tham gia lao động trong nhóm tuổi 55-65, đặc biệt là phụ nữ, đã tăng khoảng 10%; độ tuổi nghỉ hưu trung bình đã tăng thêm 2 năm kể từ năm 1990 (sẽ cần tăng thêm 4 năm nữa vào năm 2070).

Ở từng quốc gia cụ thể, những nỗ lực ứng phó cũng đang được triển khai với sự khẩn trương tích cực. Cơ quan Hưu trí Thụy Điển (SPA) đã thiết lập một công cụ lập kế hoạch hưu trí (Uttagsplaneraren) cho phép người dân sử dụng để đánh giá tác động đối với thu nhập lương hưu của họ. Từ đây, các quyết định liên quan đến việc lựa chọn tuổi nghỉ hưu sẽ được đưa ra chính xác, có lợi hơn với NLĐ. Trong khi đó, Cơ quan BHXH của Ba Lan (ZUS) đã triển khai các dịch vụ đặc biệt dành cho người cao tuổi như một phần của chính sách được gọi là “lá chắn chống khủng hoảng”.

Các giải pháp tăng cường dịch vụ cho người cao tuổi cũng được tính đến. Tổ chức BHXH của Phần Lan (KELA) đã triển khai hai công cụ Chatbot (Kela-Kelpo và FPA-Folke) để hỗ trợ, đồng thời sử dụng các hình thức tư vấn bằng video hoặc hiện đại hơn là sử dụng công cụ thực tế ảo. Cơ quan BH Hưu trí Đức cũng đã đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số, trong đó chú trọng hỗ trợ và tập huấn để người cao tuổi có thể sử dụng dễ dàng.

Có thể thấy, các chính sách ứng phó đang được triển khai khá đồng bộ tại Châu Âu. Tuy nhiên, già hóa dân số luôn là một bài toán khó với mọi quốc gia, đòi hỏi sự cải cách trên nhiều lĩnh vực, từ chính sách lao động, việc làm, y tế và nhất là hệ thống an sinh xã hội. Các chính sách cần được nghiên cứu thận trọng và triển khai một cách chủ động để đảm bảo thích ứng với già hóa dân số đang ngày một tăng cao.

Minh Đức