Hoàn thiện chức năng thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam
Sau 4 năm, công tác thanh tra chuyên ngành (TTCN) về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đã có những bước phát triển cả về tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đang đặt ra là ngành BHXH Việt Nam phải được giao chức năng TTCN một cách đầy đủ để hoạt động TTCN nâng cao hiệu lực, hiệu quả về quản lý việc thực hiện chế độ chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Kết quả bước đầu
Tính đến tháng 12/2019 toàn ngành BHXH Việt Nam có 685 cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Về cơ bản, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra toàn Ngành đều có trình độ ĐH và trên ĐH, bao gồm các chuyên ngành cơ bản: Luật, quản lý kinh tế, tài chính. Toàn Ngành đã có 3.303 lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên, TTCN, lớp trưởng đoàn thanh tra và lớp nghiệp vụ tiếp công dân. Vì vậy, về cơ bản ngành BHXH có đủ biên chế và đã được đào tạo cơ bản để đảm đương nhiệm vụ khi được giao chức năng TTCN đầy đủ.
Trong 4 năm (2016-2019), toàn Ngành đã tiến hành TTCN về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT tại 23.513 đơn vị SDLĐ. Kết quả, đã phát hiện và yêu cầu chủ SDLĐ làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho 172.967 lao động chưa tham gia, đóng thiếu thời gian phải tham gia; số tiền yêu cầu truy đóng là 497.216 triệu đồng; 173.756 lao động đóng không đúng mức quy định với số tiền yêu cầu truy đóng là 239.368 triệu đồng. Số nợ của các đơn vị trước khi được thanh tra, kiểm tra là 10.037.364 triệu đồng; Số nợ của các đơn vị được thanh kiểm tra nộp sau thanh tra, kiểm tra là 5.883.222 triệu đồng đạt tỷ lệ thu hồi nợ là 58,6%.
Hiệu quả công tác thu hồi, giảm nợ khi cơ quan BHXH thực hiện chức năng TTCN về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT được thể hiện rõ qua số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam: Nếu năm 2015 (khi chưa có chức năng TTCN về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT) số nợ là 7.780,6 triệu đồng, tương ứng với 3,74% số phải thu theo kế hoạch Chính phủ giao, thì sang năm 2016, 2017, 2018, 2019 số nợ đã giảm dần tương ứng với 2,7% năm 2016; 2,2% năm 2017; 1,7% năm 2018; đến năm 2019 chỉ còn 1,6% so với số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao.
Trong giai đoạn 2016-2019, ngành BHXH đã tiến hành TTCN 11.762 cuộc, ban hành 2.286 Quyết định xử phạt VPHC với số tiền 90.802 triệu đồng, trong đó đã thu 23.958 triệu đồng đạt tỷ lệ 26%. Kiến nghị xử lý hình sự trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT: Tính đến hết tháng 3/2020 đã có 14 BHXH tỉnh, thành phố thực hiện chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT với tổng số 106 hồ sơ, trong đó: 2 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 214, 104 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự.
Một số tồn tại, hạn chế
+ Các quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ
Cơ sở pháp luật đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH còn chưa đầy đủ, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Các quy định về chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; các quy định của pháp luật về hoạt động TTCN về BHXH còn chưa đầy đủ.
+ Nhận thức, ý thức của DN, người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT chưa đầy đủ hoặc cố tình không hiểu về BHXH, nhất là đối với DN tư nhân
Tình trạng các đơn vị lách luật, cố tình đóng không đủ số người, đóng thiếu mức đóng và đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT diễn ra phổ biến, ở tất cả các địa phương.
Văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện việc KCB, thanh toán chi phí KCB BHYT chưa đầy đủ hoặc chậm được sửa đổi, bổ sung dẫn đến những cách hiểu khác nhau có thể phát sinh nhiều trường hợp lạm dụng BHYT, gây thất thoát quỹ BHYT.
+ Chức năng, nhiệm vụ chưa tương xứng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Cơ quan BHXH chỉ được giao chức năng TTCN về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, nhưng chưa được giao chức năng TTCN về chi trả và hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT nên các hành vi vi phạm pháp luật này được phát hiện qua công tác kiểm tra chỉ dừng lại ở việc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Quy trình, quy định về công tác TTCN đóng và kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT rất khác nhau nên khó khăn trong triển khai thực hiện.
Xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT chưa nghiêm
Ý thức chấp hành kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của một số đối tượng được thanh tra còn chưa cao.
+ Một số vi phạm chưa có hình thức xử phạt cụ thể, tính khả thi chưa cao; cơ quan BHXH chưa có thẩm quyền cưỡng chế.
+ Hầu hết những đơn vị nợ đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đều có số tiền nợ vượt quá thẩm quyền xử phạt của BHXH tỉnh. Việc chuyển hồ sơ sang cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử phạt VPHC trong trường hợp vượt quá thẩm quyền còn gặp nhiều khó khăn và chưa kịp thời.
+ Việc thực hiện các quy định về thanh tra còn có bất cập, hạn chế; việc vận dụng các quy định pháp luật trong việc xử lý vi phạm, cũng như việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nguyên nhân
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT có lúc, có nơi chưa được thường xuyên.
Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.
Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT chưa đủ sức răn đe, trong tổ chức thực hiện thì chưa nghiêm, chưa kiên quyết. Thẩm quyền của tổ chức BHXH về một số hành vi sai phạm chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều sai phạm trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT chưa được các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, xử lý kịp thời. Việc xử lý các kết luận thanh tra, kiểm tra khi kết hợp hoạt động thanh tra và kiểm tra còn nhiều vướng mắc.
Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành chưa được quan tâm đúng mức, chưa cùng nhau đánh giá được tồn tại, hạn chế để cùng nhau bàn bạc, khắc phục.
Định hướng, yêu cầu hoàn thiện chức năng TTCN về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của BHXH Việt Nam
Thứ nhất, về cơ chế pháp lý tạo hành lang cho hoạt động thanh tra, kiểm tra theo định hướng phát triển của ngành BHXH. Kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giao chức năng TTCN đầy đủ cho BHXH Việt Nam.
Thứ hai, nghiên cứu hoàn thiện về công tác cán bộ liên quan đến hoạt động TTCN về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Thứ ba, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của hệ thống TTCN về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT:
+ Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
+ Nghiên cứu xây dựng quy định, quy trình nghiệp vụ TTCN về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ.
Giải pháp hoàn thiện
Rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để giao chức năng TTCN đầy đủ cho Ngành BHXH Việt Nam
Hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đang diễn ra ở nhiều nơi và có diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực chi BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Trong khi nhiều sai phạm trong lĩnh vực này chưa được các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, xử lý kịp thời với nhiều lý do; cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện chế độ, chính sách về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT lại chưa được giao chức năng, nhiệm vụ TTCN trong lĩnh vực chi BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Do đó, để hạn chế được tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cần thiết phải đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo hướng giao chức năng TTCN đầy đủ cho ngành BHXH Việt Nam, trong đó có thanh tra việc giải quyết, thanh quyết toán, chi các chế độ chính sách BHXH, BHYT để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi quỹ BHYT.
+ Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật xử phạt VPHC về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT
Theo tinh thần tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH tại Khoản 2 hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, mục IV nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có nêu "Hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các DN trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH". Do đó, cần thiết phải đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nội dung và thẩm quyền xử lý VPHC trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.- Phân định rõ chức năng TTCN của các Bộ quản lý Nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
+ Cần nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong việc xác định cơ quan BHXH là cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN trong phạm vi nhiệm vụ được giao về thu, nộp, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; cơ quan BHXH có ưu thế về lực lượng được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, trực tiếp bám sát đối tượng, trực tiếp giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách nên là cơ quan có khả năng thực hiện tốt công tác TTCN về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đối với các đơn vị SDLĐ, cơ sở KCB BHYT.
Xác định rõ hơn, cụ thể hơn mối quan hệ giữa thanh tra ngành LĐ-TB&XH, ngành Y tế với cơ quan BHXH, tương tự như việc xác định mối quan hệ giữa cơ quan Thanh tra Nhà nước và các cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN hiện nay.
Để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động TTCN của BHXH Việt Nam trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Mà trước hết cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giao chức năng TTCN đầy đủ cho ngành BHXH Việt Nam.
ThS.Trần Đức Long- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra (BHXH Việt Nam)
- Giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện vùng Tây Bắc
- Giới thiệu sách Trạm Y tế xã
- Hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn
- Đánh giá tác động của việc Việt Nam tham gia Công ước số 102 về an sinh xã hội
- Thực hiện Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành BHXH Việt Nam