Lào thu hẹp dần khoảng cách tiền lương theo giới
Tại Lào, một quốc gia Đông Nam Á, lao động nữ phải đối mặt với sự chênh lệch lương đáng kể so với lao động nam. Theo Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), lao động nữ chỉ được trả khoảng 77% số tiền lao động nam kiếm được. Vì vậy, Chính phủ Lào đang có nhiều động thái để thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa các giới.
Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) phân tích, một số yếu tố góp phần vào khoảng cách tiền lương theo giới ở Lào bao gồm: Lao động nữ chủ yếu hoạt động khu vực phi chính thức- nơi có mức lương, thưởng thấp hơn và an ninh việc làm bấp bênh. Lao động nữ cũng thường phải đối mặt với rào cản trong việc thăng tiến nghề nghiệp và vị trí lãnh đạo do trách nhiệm chăm sóc gia đình đặt lên vai họ. Ở Lào, phụ nữ chỉ chiếm 21,9% trong Quốc hội. Bất bình đẳng nghề nghiệp thể hiện rõ hơn ở khu vực nông thôn, tư tưởng trọng nam khinh nữ ở khu vực này làm giảm khả năng tiếp cận cơ hội giáo dục và việc làm của lao động nữ- điều này làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở nữ giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách tiền lương và giải quyết căn bản tình trạng nghèo đói theo giới, chính phủ Lào đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho nữ giới trong lực lượng lao động. Một trong những sáng kiến là Kế hoạch Hành động Quốc gia lần thứ 4 về Bình đẳng giới, được Chính phủ Lào gia hạn vào năm 2021, với nội dung chính là lồng ghép các quan điểm về giới vào các chính sách, chương trình quốc gia. Trong đó, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề cho nữ giới; tăng cường sự tham gia của nữ giới vào quá trình ra quyết định và xóa bỏ các hành vi phân biệt đối xử trên thị trường lao động. Chính phủ Lào đang thực hiện các bước tiếp theo để ban hành Luật nhằm thúc đẩy việc trả lương bình đẳng cho nam, nữ trong những công việc như nhau; tăng cường chế tài giải quyết tình trạng phân biệt đối xử về tiền lương.
Trước đó, Kế hoạch Hành động Quốc gia lần thứ 3 về Bình đẳng giới đã đạt được một số cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền của phụ nữ từ năm 2016 đến năm 2020. Chẳng hạn, Chính phủ Lào cấp học phí cho 1.200 sinh viên, trong đó 78% người thụ hưởng là sinh viên nữ. Miễn phí đào tạo cho 563 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực nông thôn, trong đó khoảng 69% là học sinh nữ. Số lượng sinh viên theo học tại các cơ sở dạy nghề đã tăng thêm 5.420 trong giai đoạn 2015-2016, trong đó sinh viên nữ chiếm khoảng 41% tổng số sinh viên đăng ký.
Ngoài nỗ lực của Chính phủ Lào, các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc việc thu hẹp khoảng cách tiền lương và giải quyết căn bản tình trạng nghèo đói theo giới. Điển hình là Hội Phụ nữ Lào, tổ chức góp phần quan trọng vào việc tăng số lượng lãnh đạo nữ trúng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VIII năm 2016. Hội luôn tích cực quảng bá tầm quan trọng của cân bằng giới tính trong vai trò chính trị đối với người dân Lào, nhờ vậy, góp phần tăng số lượng đại biểu nữ 2,9% so với cuộc bầu cử Quốc hội khóa trước đó.
Một tổ chức quan trọng khác đã có đóng góp đáng kể là Quỹ Châu Á (The Asia Foundation), một tổ chức phi chính phủ quốc tế hợp tác với Lào từ năm 1958. Năm 2011, Quỹ đã công bố hỗ trợ học bổng dành cho nữ giới theo học trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), nhằm thúc đẩy sự đại diện bình đẳng giới trong những lĩnh vực truyền thống do nam giới thống trị. Học bổng này đến nay hỗ trợ 84 học viên nữ hoàn thành chương trình học tại Đại học Quốc gia Lào và đang hỗ trợ 42 ứng viên mới từ năm 2020 đến năm 2021.
Tuy nhiên, tình trạng nghèo đói của nữ giới Lào vẫn là một vấn đề khá căng thẳng. Khoảng cách tiền lương theo giới làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế, khiến phụ nữ gặp khó khăn hơn trong thoát nghèo. Bằng cách nỗ lực giải quyết khoảng cách tiền lương theo giới, Lào có thể giảm nghèo đáng kể. Điều này đã được chứng minh qua Chương trình Nhóm Bảo trì đường bộ của Quỹ Giảm nghèo được thực hiện vào năm 2017. Chương trình nhằm khuyến khích nữ giới tham gia vào lĩnh vực có tay nghề cao để tăng vị thế của nữ giới trong lực lượng lao động. Nữ giới từ khắp nước Lào, đặc biệt là khu vực nông thôn, được cung cấp kỹ năng, kiến thức để bảo trì đường bộ. Đánh giá sau Chương trình cho thấy, tỷ lệ lao động nữ tham gia Chương trình có thu nhập ổn định cao hơn 77% và mức lương hằng tháng của họ tăng trung bình 19 USD.
Như vậy, đảm bảo trả lương công bằng giữa nam và nữ trong những công việc tương đương; cải thiện khả năng tiếp cận của nữ giới với việc làm được trả lương cao hơn; tăng cơ hội giáo dục… sẽ không chỉ trao quyền cho phụ nữ, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Khi nữ giới có được sự độc lập, ổn định về tài chính, họ có thể hỗ trợ hộ gia đình, cộng đồng hiệu quả, đem đến một xã hội thịnh vượng và công bằng hơn.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)