Nâng cao hiệu quả chính sách BH thất nghiệp

Thứ Sáu, 21 /01/2022 19:40

Ngày 1/1/2009, quy định về BH thất nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành. Trải qua hơn 10 năm thực hiện, BH thất nghiệp ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống trong lúc khó khăn.

Số người tham gia BH thất nghiệp gia tăng

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, số người tham gia BH thất nghiệp liên tục tăng trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019. Đây là một tín hiệu rất tích cực trong triển khai chính sách BH thất nghiệp nhằm đạt kế hoạch mà Chính phủ giao hằng năm.

Tình hình tham gia BH thất nghiệp giai đoạn 2015-2019

Năm 2015, tổng số người tham gia BH thất nghiệp là hơn 10,3 triệu người, với tổng số thu BH thất nghiệp tương ứng là 9.940 tỷ đồng; tính đến cuối năm 2019, con số này đã tăng lên hơn 13,4 triệu người tham gia BH thất nghiệp với 17.405 tỷ đồng tiền thu BH thất nghiệp. Như vậy, hiện nay số người tham gia BH thất nghiệp chiếm 85,1% trong tổng số người tham gia BHXH nói chung và chiếm 88,3% trong tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (15.199.985 người).

Tiếp nhận và giải quyết hưởng các chế độ BH thất nghiệp được chú trọng

+ Tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng về số lượng

Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng từ 526.309 người trong năm 2015 lên 835.922 người trong năm 2019. Như vậy, từ sau khi Luật Việc làm (Luật số 38/2013/QH13) có hiệu lực với một số thay đổi trong cách tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng bình quân 12,3% trong giai đoạn 2015-2019.

Tình hình giải quyết các chế độ BH thất nghiệp giai đoạn 2015-2019

+ Tư vấn, giới thiệu việc làm:

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm được thực hiện bởi các Trung tâm dịch vụ việc làm với nhiều sự đổi mới trong hình thức và quy trình. Trong năm 2015 có 463.859 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Đến năm 2019, con số này đã tăng gần 3,6 lần đạt mức 1.662.827 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong đó, số lượt người được giới thiệu việc làm là 187.796, chỉ chiếm 11,3% (tăng 1,63 lần so với năm 2015).

+ Hỗ trợ học nghề:

Theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tiếp nhận hồ sơ để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Số người được hỗ trợ học nghề tăng đều qua các năm từ 24.363 người trong năm 2015 lên 41.906 người trong năm 2019 (tương đương mức tăng 1,72 lần). Đây là kết quả từ sự nỗ lực của toàn hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, đặc biệt là sau khi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BH thất nghiệp được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nổi bật, việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp và hỗ trợ NLĐ tìm việc làm trong thực tiễn phát sinh những tồn tại hạn chế.

Đối tượng tham gia BH thất nghiệp chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Tính riêng năm 2019, tổng số người tham gia BH thất nghiệp chỉ chiếm khoảng 60% tổng lực lượng lao động khu vực chính thức. Tỷ lệ số người thất nghiệp có nhu cầu và được hỗ trợ học nghề rất thấp, chỉ bằng 5% tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hơn nữa, vẫn còn nhiều trường hợp NLĐ thất nghiệp không tham gia đầy đủ khoá học nghề chuyển đổi nghề nghiệp.

Ngoài ra, hoạt động giới thiệu việc làm mặc dù đã có những cải thiện so với giai đoạn trước 2015, tuy nhiên số người được giới thiệu việc làm còn chiếm tỷ lệ khá thấp so với tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay chưa có trường hợp người SDLĐ nào được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định của Luật Việc làm. Điều này một phần do các quy định về điều kiện hưởng chế độ chặt chẽ, dẫn đến người SDLĐ khó đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ này.

Hồ sơ thủ tục hưởng BH thất nghiệp ngày càng đơn giản, thuận tiện

Việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BH thất nghiệp vẫn còn thiên về giải quyết trợ cấp thất nghiệp mà chưa có các giải pháp thiết thực về đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm giúp người thất nghiệp mau chóng tìm được việc trở lại và ngăn ngừa nguy cơ thất nghiệp trong thời gian sau này.

Hiện nay, công tác quản lý thông tin việc làm của NLĐ còn nhiều bất cập, dẫn đến còn nhiều trường hợp NLĐ đã tìm được việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, việc thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp theo quy định đối với những trường hợp vi phạm còn gặp khó khăn do NLĐ di chuyển nơi ở, nơi làm việc.

Ngày 23/5/2018, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra mục tiêu cải cách chính sách BHXH (trong đó bao gồm BH thất nghiệp) để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Để có thể nâng cao hiệu quả của chính sách BH thất nghiệp trong việc hỗ trợ, giúp người thất nghiệp sớm tìm được việc làm trở lại, đồng thời hạn chế những trường hợp vi phạm quy đinh, trục lợi BH thất nghiệp, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về BH thất nghiệp; tổ chức rà soát nhằm kịp thời phát hiện những khoảng trống chính sách để bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BH thất nghiệp.

NLĐ đang làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp

Hai là, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về BH thất nghiệp với các hình thức đa dạng, nội dung phù hợp cho từng nhóm đối tượng theo ngành nghề, khu vực, dân tộc… Thường xuyên tổ chức các phiên đối thoại chính sách, chiến dịch tuyên truyền tại DN, KCN, khu kinh tế, làng nghề. Từ đó nâng cao sự hiểu biết về các chế độ BH thất nghiệp và ý thức chấp hành quy định chính sách của NLĐ.

Ba là, nghiên cứu nâng cao hiệu quả chế độ hỗ trợ học nghề cho NLĐ để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao trình độ, kỹ năng để tìm việc trở lại và giảm nguy cơ thất nghiệp trong tương lai bằng cách: nâng mức hỗ trợ học nghề; đa dạng hoá danh mục nghề được hỗ trợ; nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở được tổ chức dạy nghề cho người thất nghiệp theo quy định.

Bốn là, tạo cơ chế ưu đãi, nới lỏng các quy định để khuyến khích các DN, cơ sở SDLĐ gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm lao động do suy giảm kinh tế (hoặc các lý do bất khả kháng khác, thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh) tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

Năm là, tăng cường công tác thông tin thị trường lao động, gắn kết chặt chẽ giữa các Trung tâm dịch vụ việc làm và DN có nhu cầu tuyển dụng tại địa phương và trên cả nước để làm cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp khi đến khai báo, đăng ký thất nghiệp. Ứng dụng CNTT vào hoạt động giới thiệu, kết nối việc làm tại các Trung tâm dịch vụ việc làm, từ đó người thất nghiệp và DN có nhu cầu tuyển dụng có thể kết nối với nhau một cách chủ động, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Sáu là, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về NLĐ tham gia BH thất nghiệp liên thông trên cả nước giữa các Trung tâm dịch vụ việc làm và với cơ quan thuế, cơ quan BHXH, nhằm kịp thời nắm bắt thông tin về tình trạng việc làm, nơi làm việc của NLĐ. Nhờ vậy sẽ ngăn chặn được các hành vi vi phạm, trục lợi BH thất nghiệp cũng như thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người vi phạm.

Cuối cùng, nghiên cứu cắt giảm các TTHC và ứng dụng CNTT trong thực hiện BH thất nghiệp hướng tới mức dịch vụ công cấp độ 4 nhằm đảm bảo sự thuận tiện tối đa cho người sử dụng dịch vụ và hạn chế được các chi phí phát sinh.

ThS.Hoàng Mạnh Cầm