Người dân Nigeria hoảng loạn vì giá thực phẩm tăng cao
Hàng triệu hộ gia đình phải nhịn đói để đi ngủ, vì Nigeria đang phải vật lộn với mức lạm phát tồi tệ nhất từ trước đến nay, hậu quả của những phương thức cải cách kinh tế toàn diện chưa mang lại hiệu quả, khiến giá cả tăng vọt ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này.
Bữa ăn gần nhất của bà Bola Adeshiyan là cách đây 16 giờ và bà đang rất đói. Để quên đi cơn cồn cào, bà rời khỏi căn hộ một phòng ngủ nhỏ bé của mình, đi xuống con phố nhộn nhịp ở Lagos, Thủ đô thương mại của Nigeria. Khi trở về, người phụ nữ 55 tuổi này uống một chút nước và lấy ra một ít đậu và bánh mì chưa bán hết mua của một người bán hàng vào cuối ngày.
Bà Bola chia sẻ bữa ăn tối ít ỏi với 3 cháu của mình là Dara, Ayinke và Oba – những đứa trẻ cũng chưa ăn gì kể từ khi chia nhau 5 chiếc bánh quy vào bữa sáng. Chúng và mẹ của chúng, Esther, cũng sống trong căn hộ một phòng ngủ cùng bà Bola. Bà Boala kiếm được 10.000 Naira (tương đương với 6,49 USD) một tuần với nghề đầu bếp, song số tiền đó không đủ để trang trải tiền mua thực phẩm hàng tuần cho gia đình bà: "Tôi không nhớ lần cuối cùng chúng tôi ăn tối trong năm nay. Nếu hôm nào bọn trẻ được ăn đầy đủ 3 bữa mỗi ngày, thì với chúng tôi đó là một ngày tốt lành".
Gia đình bà Bola nằm trong số hàng triệu hộ gia đình phải nhịn đói để đi ngủ, vì Nigeria đang phải vật lộn với mức lạm phát tồi tệ nhất từ trước đến nay, hậu quả của những phương thức cải cách kinh tế toàn diện chưa mang lại hiệu quả, khiến giá cả tăng vọt ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Sau khi nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Bola Tinubu đã hủy bỏ trợ cấp nhiên liệu và điện, đồng thời phá giá đồng Naira so với USD để thu hút đầu tư và tiết kiệm tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Hậu quả là giá xăng tăng gấp 3, đồng Naira mất giá so với USD và giá thực phẩm tăng vọt, buộc Chính phủ phải mở kho dự trữ ngũ cốc quốc gia để kiểm soát tình hình bằng cách cung cấp thực phẩm miễn phí cho các hộ gia đình đang đói. Tuy nhiên, hiện mặt hàng thiết yếu như gạo, đậu và bánh mì trở thành những mặt hàng xa xỉ. Kinh tế khó khăn gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc trong tháng này và ít nhất 22 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết.
Con gái của bà Bola Adeshiyan, cô Esther- hiện đang làm nhân viên vệ sinh cho một trường học- cho biết, cô phải chi một nửa trong số 60.000 naira kiếm được mỗi tháng cho chi phí đi lại, do giá xăng tăng từ 165 Naira/lít lên 600 Naira/lít sau khi Chính phủ cắt giảm trợ cấp nhiên liệu. Phần còn lại phụ với mẹ để mua thức ăn nhưng vẫn chưa đủ. Gia đình họ cũng không thể trả hóa đơn tiền điện vì giá điện đã tăng gấp 3. “Sau khi mua 1 lon gạo, 1 lon đậu và một ít cà chua, số tiền còn lại dồn hết mua gas để nấu ăn. Suy cho cùng, chúng tôi cần ăn trước khi dùng điện”- bà Bola buồn rầu nói trong căn hộ tối tăm của mình.
Cuộc khủng hoảng do cải cách kinh tế gây ra đã trở nên trầm trọng hơn ở Nigeria do các băng nhóm vũ trang liên tục tấn công vào trang trại ở các tiểu bang sản xuất lương thực phía Bắc; cùng với lũ lụt và hạn hán liên quan đến biến đổi khí hậu tàn phá mùa màng ở các khu vực khác, đẩy giá lên cao và hàng triệu người rơi vào cảnh đói kém. Ông David Stevenson, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ tại Nigeria, cho biết: "Các cải cách kinh tế đã có tác động rất lớn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho người thu nhập thấp. Trong số 55 triệu người phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực ở Tây Phi năm nay, có 32 triệu người ở Nigeria, tăng so với mức 25 triệu người của năm ngoái. Lạm phát giỏ lương thực quốc gia ở Nigeria đang ở mức 40% mỗi năm, đây là mức cao nhất trong hơn 30 năm qua và là mức lạm phát lương thực cao nhất ở châu Phi thời điểm hiện tại”.
Những người biểu tình kêu gọi Tổng thống Bola Tinubu khôi phục trợ cấp nhiên liệu và điện. Tuy nhiên, Tổng thống kêu gọi mọi người kiên nhẫn và chờ đợi những cải cách của ông mang lại lợi ích. Vào ngày 4/8/2024, ông cho biết Chính phủ đang tăng cường chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng; đã khởi động chương trình cho vay dành cho sinh viên Đại học và đang xây dựng hàng nghìn đơn vị nhà ở xã hội trên 36 tiểu bang. Bà Bola cho biết: “Gia đình tôi không tham gia biểu tình ở Lagos vì sợ có thể trở nên bùng phát thành hành động bạo lực. Nhưng nhiều người hàng xóm của tôi đã tham gia, vì họ đói và mất hy vọng khi đối diện với những quầy thực phẩm trống rỗng ở cả hai bên đường”.
Bà Bola cho biết thêm, những đứa cháu của bà còn nhỏ nhưng đã quen với việc không còn mong đợi được ăn 3 bữa một ngày nữa: “Khi bọn trẻ khóc lóc đòi thịt và từ chối ăn da bò hun khói- một loại thực phẩm thay thế thịt, dai nhưng rẻ hơn- tôi cảm thấy bất lực. Tôi chỉ biết nói với chúng rằng Nigeria không còn như trước nữa. Và tôi cho chúng biết, chúng còn may mắn hơn rất nhiều người vì còn được ăn một bữa một ngày".
Tùng Anh