Nhật Bản: Nhân viên cao tuổi là nguồn lực quý giá của quốc gia
Sách trắng Kinh tế và tài chính năm 2024 của Nhật Bản nhận định, người cao tuổi Nhật Bản có sức khỏe tốt và sẵn sàng làm việc lâu dài.
Dù xã hội Nhật Bản đã và đang đối mặt với già hóa dân số nhưng theo Sách trắng Kinh tế và tài chính năm 2024 của Nhật Bản, người cao tuổi quốc gia này “vẫn năng động tại nơi làm việc và trở thành động lực mới thúc đẩy nền kinh tế”. Có thể nói, theo tiêu chuẩn quốc tế, người cao tuổi Nhật Bản không chỉ tương đối khỏe mạnh mà còn có mong muốn làm việc lâu dài. Do đó, các nhà chức trách ước tính, số lượng NLĐ cao tuổi Nhật Bản tiếp tục tăng và sẽ gấp 1,4 lần con số hiện tại vào năm 2040, đạt mốc 20,31 triệu người.
Nhật Bản ban hành Luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi từ năm 1986, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi có thể tiếp tục làm việc lâu dài. Năm 2021, chính phủ Nhật Bản quy định DN bắt buộc phải thuê nhân viên cho đến khi họ đủ 65 tuổi. Đến năm 2020, yêu cầu về độ tuổi này tiếp tục tăng lên 70 tuổi.
Theo báo cáo của Mainichi Shimbun, việc nhận nhân viên đã nghỉ hưu trở lại làm việc trở nên phổ biến các Tập đoàn, công ty lớn của Nhật Bản; thậm chí có nơi tăng tuổi tái tuyển dụng. Chẳng hạn, Toyota đang mở rộng lực lượng lao động bằng cách tái tuyển dụng nhân viên lớn tuổi. Độ tuổi tái tuyển dụng trước đây của Toyota là 65 tuổi nhưng sẽ tăng lên 70 tuổi bắt đầu từ tháng này. Việc tận dụng nguồn nhân lực lao động cao tuổi không chỉ lấp đầy khoảng trống thị trường lao động mà còn có lợi ích về mặt đào tạo, bởi NLĐ cao tuổi có kiến thức và kỹ năng chuyên môn dày dặn, có thể tham gia đào tạo người trẻ trong quá trình làm việc.
Bên cạnh đó, Sách trắng Kinh tế và tài chính năm 2024 đề cập đến việc tăng tuổi nghỉ hưu. Từ năm 2014 đến 2019, chỉ số tiêu dùng của hộ gia đình Nhật Bản dưới 59 tuổi giảm, trong khi chỉ số tiêu dùng của hộ trên 60 tuổi không thay đổi do thu nhập của người cao tuổi tăng lên. Tuy nhiên, NLĐ cao tuổi cũng phải đối mặt với một số bất lợi khiến họ chưa thể đạt được thu nhập cao như: Hệ thống lương hưu bị ràng buộc với rào cản thu nhập hàng năm (lương hưu mà người cao tuổi nhận nếu vượt quá một mức nhất định sẽ bị giảm); thu nhập tăng, thì thuế và phí BHXH tăng…
Thông thường, việc tái tuyển dụng NLĐ sau khi nghỉ hưu thường dẫn đến tiền lương giảm mạnh. Song ở Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, thì khoảng cách tiền lương đang ngày càng được thu hẹp. Một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản tiến hành vào năm 2024 cho thấy, DN có mức lương tái tuyển dụng về cơ bản giống như trước khi nghỉ hưu chiếm 15% tổng số DN thực hiện tái tuyển dụng, tăng 5,5 điểm phần trăm so với giai đoạn 5 năm trước.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)