Tăng lợi thế trên thị trường thế giới: Cần chọn mũi nhọn nào?

Thứ Sáu, 13 /08/2021 20:33

Để tăng lợi thế so sánh và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam có thể tập trung “định vị” lại 2 ngành kinh tế tiềm năng: Thực phẩm và điện tử.

Đó là khuyến nghị của nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách- VEPR (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021, với chủ đề “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu” vừa được công bố.

Chế biến thực phẩm là một trong 2 ngành kinh tế có tiềm năng của Việt Nam

Báo cáo của VEPR chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam đã đạt thành tích tăng trưởng thương mại ấn tượng khi kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng và xuất siêu được duy trì trong 5 năm trở lại đây.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam là một trong các quốc gia ít ỏi trong khu vực châu Á có tốc độ tăng trưởng thương mại dương và đạt mức xuất siêu kỷ lục vào năm 2020 với gần 20 tỷ USD... Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa thật sự tận dụng được những lợi thế này để đẩy mạnh hơn vị thế của mình trên thị trường thế giới, khi lợi thế so sánh của Việt Nam với hầu hết các nhóm ngành đều giảm (7/9 ngành có lợi thế), ngay cả với nhóm ngành duy nhất Việt Nam có lợi thế so sánh cao là giày, dép, mũ. Đồng thời, Việt Nam cũng đang mất dần lợi thế so sánh với các sản phẩm nông nghiệp. Duy nhất có một ngành có lợi thế so sánh tăng cao là điện tử, nhưng sự gia tăng của ngành hàng này lại chủ yếu đến từ các DN FDI…

Nhóm nghiên cứu nhận định, 2 nhóm ngành Việt Nam có triển vọng tăng lợi thế so sánh trong tương lai gần là điện tử và giày dép. Với các ngành khác, triển vọng tăng lợi thế so sánh là vô cùng khó khăn. “Định vị triển vọng lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu, chúng ta nên quan tâm đến 2 ngành hàng có triển vọng là điện tử và thực phẩm”- nhóm nghiên cứu đề xuất.

Phân tích về lựa chọn này, TS.Vũ Thanh Hương- Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Trường ĐH Kinh tế) chỉ rõ, đây đều là những ngành có nhiều “dư địa” để phát triển và cũng là ngành nhiều lợi thế của Việt Nam. Cụ thể, ngành điện tử đang có điều kiện, triển vọng phát triển nhờ vào việc mở rộng cơ hội xuất khẩu và thu hút vốn FDI tăng mạnh trong lĩnh vực điện tử; giá các sản phẩm điện tử, viễn thông sẽ giảm nhiều khi gỡ bỏ hàng rào thuế quan và cơ hội đưa Việt Nam trở thành “công xưởng thứ hai của thế giới” khi một loạt tập đoàn điện tử, viễn thông lớn chuyển sang khu vực Đông Nam Á. Ngành thực phẩm cũng ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ từ ngành nhập khẩu ròng sang xuất khẩu ròng; trở thành một ngành khá nhạy cảm, nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia do nhu cầu cấp thiết về đảm bảo an ninh lương thực trong đại dịch COVID-19…

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, PGS-TS.Nguyễn Anh Thu- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Viện trưởng VEPR cũng nhận định, động lực cho tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư. “Nếu thiếu các cơ chế sàng lọc, giám sát, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy gia công, lắp ráp, thu hút FDI kém chất lượng khi tiếp nhận dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc và từ các nước khác nhằm tận dụng ưu đãi trong các FTA mà Việt Nam tham gia”- PGS.Thu nhận định.

Cũng theo PGS-TS.Nguyễn Anh Thu, trong xu hướng chuyển đổi số, các quốc gia phát triển có thể quay trở về nước mình để tiến hành sản xuất. Khi đó, Việt Nam là một quốc gia thâm dụng lao động, nhưng với những lợi thế về thương mại, đầu tư, chắc chắn sẽ cần có giải pháp thiết thực để đón đầu xu hướng phát triển của thế giới; có thể chuyển hướng sang những hoạt động cao cấp hơn trong mối liên kết sau của GVCs. Bên cạnh đó, cũng cần tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng FDI toàn cầu để đẩy mạnh vị thế của Việt Nam trong việc thu hút FDI.

Thái An