Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phân cấp, phân quyền đi đôi với việc phân bổ nguồn lực
Chiều 12/11, sau phiên chất vấn của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có báo cáo làm rõ một số vấn đề liên quan và tiến hành trả lời chất vấn của các vị ĐBQH.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi NSNN thấp hơn giới hạn quy định. Chính phủ cũng đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm rõ một số vấn đề và trả lời chất vấn của ĐBQH
“Từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một trong những động lực tăng trưởng, nên Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc giải ngân còn chậm, 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%. Qua thống kê, có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ
Về nguyên nhân, theo Thủ tướng, chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo, vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân thiếu nguồn cung ứng vật liệu; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu. Đặc biệt, kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm...
Về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, nội dung này “chưa đạt mục tiêu đề ra”. Theo Thủ tướng, thể chế, cơ chế, chính sách chưa có đột phá; đầu tư cho khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa thực sự hiệu quả; sự gắn kết giữa các chủ thể, nhất là Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và DN chưa chặt chẽ. Dù vậy, chúng ta cũng có những cơ hội, thuận lợi của “người đi sau” (có điều kiện nghiên cứu, phát triển, ứng dụng ngay những công nghệ, giải pháp mới, tốt nhất); nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động, sáng tạo.
Chính vì thế, tới đây, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng khoa học công nghệ, chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Mục tiêu là bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi NSNN cho giáo dục và đào tạo; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, sẽ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là hợp tác công-tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao; sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn…
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)
Đặt vấn đề chất vấn Thủ tướng, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất hoạt động của bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành còn chậm; việc phân cấp, phân quyền chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và khả năng quản lý của từng cấp, từng ngành, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của từng địa phương. Do dó, ĐB đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các địa phương trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là vấn đề lớn, đã nói nhiều và đã thực hiện. Đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật liên quan, 9 nghị quyết, bổ sung thay thế 27 nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc về phân cấp, phân quyền. “Vướng chủ yếu tập trung ở Trung ương và đây là nút thắt lớn”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Về giải pháp, Thủ tướng cho rằng, cần rà soát lại các quy định của pháp luật; rà soát lại thể chế; rà soát lại chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan… để tính toán lại việc phân cấp, phân quyền; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; tăng cường giám sát, kiểm tra. Chính vì vậy, sẽ rà soát lại các quy định pháp luật, thể chế, các quy định của Đảng, rà soát lại các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan; hoàn thiện quy chuẩn, tăng cường giám sát, kiểm tra, phân cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực và năng lực thực thi. Đồng thời, phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.
ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu)
Trả lời về giải pháp xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 của ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là chủ trương lớn, hiện chúng ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát (người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia). Với quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng, cần thành lập BCĐ từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực.
Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”. Về huy động nguồn lực, cần đa dạng hóa nguồn lực. Lực lượng quân đội và công an cũng sẵn sàng nhân lực và nguồn lực để cùng triển khai. Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho chương trình lớn này. “Đến nay, đã huy động được 6.000 tỷ đồng và Chính phủ đề nghị thêm 5% (khoảng hơn 5.000 tỷ đồng), cộng thêm các chương trình đang bố trí để có thêm nguồn lực bổ sung vào thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát”- Thủ tướng khẳng định.
ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang)
Trả lời câu hỏi về giải pháp căn cơ, dài hạn để phòng chống thiên tai, bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu của ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang), Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, các diễn biến của thời tiết rất cực đoan, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện, nên ta cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ, chung tay của toàn cầu để cùng thực hiện.
"Chúng ta cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến chống biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình thực tế. Trong huy động nguồn lực, cần có nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, nguồn vốn vay. Hiện nay, các nguồn lực đang được ưu tiên bố trí cho vấn đề này. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị trong ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương…"- Thủ tướng cho biết thêm.
Vũ Thu
- Hợp tác sâu rộng hướng tới hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bền vững
- Đầu tư cho con người và an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng xã hội hài hòa, bền vững
- HSSV tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm được NSNN hỗ trợ
- Lấy cảm hứng từ sự ưu việt của Đề án 06 để triển khai quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi số
- Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội