Tiền lương tối thiểu vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng và an sinh xã hội
Hiện nay cũng như trong giai đoạn tới, tiền lương tối thiểu vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách tiền lương, là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiền lương và an sinh xã hội…
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong năm 2024, chính sách người có công được coi là điểm nổi trội, cùng với các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo nguyên tắc đảm bảo an sinh tối thiểu, nâng dần các mức trợ giúp xã hội. Kết quả giảm nghèo bền vững khi giảm được 1% và đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều khống chế ở mức thấp 1,93%- là cố gắng lớn trong điều kiện thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra. Đặc biệt, năm 2024 cũng là năm đầu tiên, chỉ tiêu về năng suất lao động tăng 5,56%, vượt yêu cầu đề ra.
“Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện tốt chính sách xã hội, nhất là so với các nước có điều kiện kinh tế tương đồng. Cuối tháng 10/2024, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Châu Á được các nước G7 mời trực tiếp báo cáo điển hình về thực hiện chính sách xã hội, phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội. Và, tại hội nghị G20 tại Brazil hồi tháng 12, Việt Nam cũng được mời báo cáo kinh nghiệm giảm nghèo bền vững và tham gia sáng kiến liên minh toàn cầu về chống đói nghèo”- ông Dung nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngoài vấn đề an sinh xã hội, Bộ LĐ-TB&XH luôn theo đuổi xây dựng, hoàn thiện thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hiện đại và hội nhập. Năm 2024, Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH, sửa Luật BHXH, hoàn thiện việc xây dựng thể chế, tạo lập thị trường lao động với tầm nhìn đến năm 2045.
Đây cũng là năm có bước thay đổi lớn về tiền lương, khiến người lao động, người dân, người hưởng lương hưu, trợ cấp đều có phần vui mừng, phấn khởi. Lương khu vực công dù vẫn chưa thực hiện cải cách được như kế hoạch, nhưng cũng đã được điều chỉnh với mức tăng chưa từng có (30%)- lương cơ sở được điều chỉnh từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đồng thời, trợ cấp người có công tăng 35,7%; lương hưu tăng ở mức 15%; lương tối thiểu vùng tăng 6%, hoạt động đàm phán lương rất thuận lợi, đạt sự thống nhất cao. Những điều chỉnh đồng bộ này giúp hàng chục triệu người được thụ hưởng trực tiếp.
Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, Việt Nam đã sớm xây dựng, hình thành được hệ thống tiền lương theo nguyên tắc thị trường, góp phần vận hành thị trường ổn định và ngày càng “mượt”. Lương tối thiểu được áp dụng từ sớm và hoàn thiện qua Bộ luật Lao động các thời kỳ, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019, cho tới giờ, định hình được 4 vùng lương, vận hành cơ chế thương lượng lương 3 bên: Nhà nước (đại diện là Bộ LĐ-TB&XH), chủ SDLĐ (đại diện là VCCI- Liên minh HTX, các hiệp hội ngành nghề lớn) và người lao động (đại diện là Tổng LĐLĐ Việt Nam).
Lương tối thiểu vùng tăng 6% trong năm 2024 góp phần cải thiện đời sống người lao động, cũng phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời hoàn thiện một bước cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, góp phần vào việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
"Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH cũng tiếp thu, nghiên cứu nghiêm túc, vì lúc này lúc kia lương tối thiểu vùng cũng gây băn khoăn là làm chậm, “ghìm” đà cải thiện lương, không mấy ý nghĩa vì lương doanh nghiệp trả hầu hết đều cao hơn mức quy định… Nhưng tiền lương tối thiểu vùng được công bố hàng năm chính là sàn tối thiểu để người lao động và chủ sử dụng lao động thương thảo, thỏa thuận, để thể hiện sự bình đẳng trong quan hệ lao động, thể hiện được giá trị của sức lao động"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, mục tiêu được đề cập trong Nghị quyết 27 của Trung ương là đảm bảo tiền lương phản ánh đúng chi phí của sức lao động và được chi trả phù hợp với giá cả sức lao động của thị trường. Bộ LĐ-TB&XH đã bám sát quan điểm này để cụ thể hóa trong Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, Điều 91 Bộ luật Lao động quy định rõ “mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội”.
“Tuy nhiên, để đúng mong muốn và phản ánh biến động nhanh chóng của thị trường và giá cả thì chưa, nhưng khách quan mà nói, lương khu vực doanh nghiệp đã tiếp cận thị trường, sớm đi trước một bước và tiếp cận đời sống nhanh hơn. Chuyện áp lực cuộc sống ngày càng tăng của người lao động, chúng tôi rất hiểu. Tuy vậy, ở khu vực công, cán bộ, công chức của chúng tôi còn đang mong lương tiệm cận được như khu vực doanh nghiệp”- Bộ trưởng Dung nói.
Nguyệt Hà
- Công nhân các tỉnh phía Nam nhanh chóng trở lại làm việc sau Tết
- Báo chí cần lan tỏa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
- Việt Nam đón 12,5 triệu lượt khách nội địa dịp Tết Ất Tỵ 2025
- Chương trình cải cách quy định kinh doanh của Việt Nam đang chuyển từ “lượng” sang “chất”
- Việt Nam: Tấm gương tích cực trong khu vực và toàn cầu về giảm thiểu lao động trẻ em