Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra Luật Việc làm (sửa đổi)

Thứ Sáu, 27 /09/2024 10:34

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 13 (diễn ra từ 26-28/9/2024), Ủy ban Xã hội tiến hành cho ý kiến vào các Dự án Luật sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, năm 2024 là năm tăng tốc đột phá để về đích trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của cả nhiệm kỳ. Qua tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động, có thể thấy, trong năm qua Ủy ban Xã hội tiếp tục đạt được các thành quả quan trọng. Ủy ban Xã hội đã tham gia đầy đủ các Dự án Luật trong tổng thể công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Với hoạt động giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban cũng đã tham gia tích cực, chủ động. Chất lượng tham gia hoạt động của Ủy ban Xã hội đang ngày một nâng lên, trách nhiệm, sự tâm huyết của từng thành viên Ủy ban, của Thường trực Ủy ban Xã hội đã được các cơ quan, đơn vị phối hợp công tác đánh giá cao. “Tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội sẽ cho ý kiến vào các dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây. Đây là những dự luật có độ nhạy cảm cao và độ khó lớn, có tác động lớn đến đời sống người dân”- Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra một số nội dung thuộc thẩm quyền gồm: dự án Luật Việc làm (sửa đổi); báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2023; báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2024; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán NSNN năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán NSNN năm 2025 thuộc lĩnh vực Bộ LĐ-TB&XH phụ trách.

Ủy ban cũng cho ý kiến với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT năm 2023; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán NSNN năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán NSNN năm 2025 thuộc lĩnh vực Bộ Y tế phụ trách; xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát năm 2025; dự thảo Báo cáo kết quả công tác của Ủy ban năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025; xem xét, cho ý kiến thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; tham gia thẩm tra, góp ý kiến một số dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 8…

Trong ngày làm việc đầu tiên, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký và quản lý lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; BH thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm.Trong đó, dự thảo giữ nguyên tên gọi các nội dung so với Luật Việc làm 2013 gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; BH thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm; đổi tên nội dung “Tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm” thành “Dịch vụ việc làm”, “Thông tin thị trường lao động” thành “Hệ thống thông tin thị trường lao động”; bổ sung nội dung phát triển kỹ năng nghề và đổi tên “Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề” thành “Phát triển kỹ năng nghề”; bổ sung nội dung “Đăng ký và quản lý lao động”.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động đối với NLĐ có việc làm và người thất nghiệp; bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; các quy định về đánh giá kỹ năng, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tăng cường năng lực tổ chức đánh giá kỹ năng nghề và chuẩn hóa đội ngũ đánh giáo viên; mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp; linh hoạt mức đóng BH thất nghiệp.

Tại phiên họp, đa số các đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật và quan điểm xây dựng Luật như thể hiện trong Tờ trình, tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Việc làm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật phải kế thừa, phát triển những quy định hiện hành, chỉ quy định trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ những vấn đề phát sinh trong tổ chức thực hiện, nghiên cứu, xem xét để quy định phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, bảo đảm của NSNN đối với các chính sách, chế độ có sử dụng NSNN, nguyên tắc BH thất nghiệp và khả năng cân đối quỹ BH thất nghiệp. Cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các quy định để làm rõ chính sách hỗ trợ phát triển các thị trường lao động đặc thù, nhất là phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là đồng bào DTTS, thị trường lao động trình độ cao. Nghiên cứu xây dựng cơ chế thông tin- dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào kết nối và phát triển thị trường lao động, việc làm xanh.

Phát biểu tại phiên họp, bà Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc cho biết, trong dự thảo luật đã thể hiện khá rõ nội dung về đồng bào DTTS. Tuy nhiên, trong quy định về đăng ký và quản lý lao động, dự thảo Luật mới chỉ nêu 5 đối tượng yếu thế, đặc thù gồm: người khuyết tật, người có thu hồi đất, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công có cách mạng, trong đó chưa có đối tượng người DTTS. Do đó, cần bổ sung thêm người DTTS vào nhóm đối tượng yếu thế, đặc thù, đây là điều rất có ý nghĩa và cần thiết đối với các đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Đóng góp ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, theo Luật BHXH năm 2024, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ký HĐLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật này không có quy định nào liên quan đến thống kê thông tin lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Chính vì vậy, số lao động này sẽ được quản lý như thế nào? Việc rà soát các lao động này để đảm bảo việc thực hiện Luật BHXH năm 2024 là cần thiết.

Nguyệt Hà