Vẫn cần một lời giải chính xác cho “bài toán lương”
Tăng lương tối thiểu không chỉ là giải pháp tài chính nhằm nâng cao đời sống người lao động (NLĐ), mà còn là công cụ quan trọng bảo vệ các quyền lợi cơ bản và thúc đẩy công bằng xã hội. Đồng thời, cũng là minh chứng thực chất cho cam kết hỗ trợ và đồng hành của cơ quan chức năng.
Tăng lương để cuộc sống không còn “tối thiểu”
Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất trình Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ ngày 1/1/2026 (tương đương từ 250.000 đến 350.000 đồng/tháng) tùy theo từng khu vực. Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng, mức tăng lương tối thiểu vùng 7,2% không chỉ thỏa mãn mong đợi của NLĐ trên toàn quốc, mà còn thể hiện sự đồng cảm với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt.
Mặc dù mức tăng này sẽ không giải quyết được hoàn toàn mọi vấn đề, nhưng nó sẽ cải thiện phần nào đời sống NLĐ, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương cao hơn mức tối thiểu. Mức lương tối thiểu này cũng sẽ là cơ sở tham khảo để các nhóm lao động khác có thể xây dựng mức lương phù hợp. “Tôi tin rằng, mức lương này cũng sẽ tạo động lực để NLĐ làm việc với tinh thần phấn chấn, cùng nỗ lực phấn đấu năm nay chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và từ năm sau trở đi có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng hai con số”- ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.
Từ ngày 1/1/2026, mức lương tối thiểu vùng I sẽ tăng từ 4,96 triệu lên 5,31 triệu/tháng; vùng II từ 4,41 triệu lên 4,73 triệu đồng/tháng; vùng III từ 3,86 triệu lên 4,14 triệu đồng/tháng; vùng IV từ 3,45 triệu lên 3,7 triệu đồng/tháng. Mức lương tối thiểu theo giờ cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng mức lương tháng. |
Tại một cuộc khảo sát với hơn 3.000 NLĐ ở 10 tỉnh, thành phố, do Công đoàn Việt Nam thực hiện tháng 4/2025, cho thấy có tới 55% số NLĐ chỉ đủ chi tiêu cơ bản, 26% phải sống kham khổ và 8% không đủ sống, phải làm thêm. Thu nhập không đủ đáp ứng nhu cầu gia đình, khiến nhiều NLĐ phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột xuất. Đáng chú ý, gần 73% số NLĐ độc thân cho biết, thu nhập hiện tại không đủ để lập gia đình, đặc biệt khi chi phí sinh hoạt và nuôi con ngày càng tăng. Thu nhập thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng mua nhà, tiết kiệm và bảo đảm nhu cầu cơ bản. Với NLĐ đã có gia đình, 73% cho biết thu nhập ảnh hưởng đến quyết định sinh con, trong khi 53% cho biết chỉ đủ chi trả một phần cho giáo dục và 7% không đủ tiền cho việc học hành của con cái...
Trước đó, số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng chỉ ra, trong giai đoạn 2015-2022, mặc dù Chính phủ đã điều chỉnh lương tối thiểu tăng từ 119 USD/tháng vào cuối năm 2015 lên 168 USD vào cuối năm 2022, nhưng do lạm phát gia tăng, giá trị thực tế của lương tối thiểu lại không tăng tương ứng. Trong giai đoạn 2015-2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7%, nhưng lạm phát đã khiến thu nhập thực tế chỉ tăng 20,1%. Đến giai đoạn 2020-2022, dù lương tối thiểu đã được điều chỉnh xấp xỉ 6%, nhưng mức tăng thực tế chỉ là 0,7%.
Chính vì vậy, ILO cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu cần phải dựa vào các dữ liệu chính xác về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tình hình việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp và năng suất lao động. Đồng thời, mức điều chỉnh phải theo kịp tốc độ lạm phát, để bảo đảm giá trị thật sự của lương tăng lên, đáp ứng nhu cầu cơ bản của NLĐ và gia đình họ.
Không cắt giảm tiền lương khác thì tăng lương tối thiểu
Tăng lương tối thiểu là một trong những biện pháp quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động; đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, các đợt tăng lương tối thiểu tại Việt Nam luôn bị phản ánh là không theo kịp với mức sống ngày càng tăng cao. Hay nói cách khác, các đợt tăng lương dường như luôn chậm chạp, không thể theo kịp tốc độ tăng giá cả sinh hoạt.
Có ý kiến cho rằng, số đông doanh nghiệp thường dựa vào mức lương tối thiểu để tối ưu chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Điều này dẫn đến thực tế, doanh nghiệp luôn trả sát mức lương tối thiểu vùng và khuyến khích NLĐ tăng thu nhập bằng giờ làm thêm. Thực chất lương tối thiểu ảnh hưởng nhiều nhất đến những ngành nghề mang tính chất gia công, da giày, linh kiện điện tử..., bởi chi phí nhân công chiếm phần nhỏ trong giá thành sản phẩm. Lương tối thiểu chỉ là một phần giống như phụ cấp, thưởng, các khoản đóng góp như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cấu thành nên chi phí nhân công. Mối liên hệ giữa tăng lương tối thiểu và tăng giá thành sản phẩm nhỏ đến mức rất khó để nhận ra sự khác biệt.
Tại dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ Nội vụ đặc biệt nhấn mạnh việc tăng lương tối thiểu không được là lý do để cắt giảm các chế độ hiện hành của NLĐ. Những quyền lợi về tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các khoản phụ cấp khác theo luật định phải tiếp tục được đảm bảo. Đồng thời, những nội dung thỏa thuận có lợi hơn cho NLĐ trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác cũng phải được duy trì, trừ khi có sự đồng thuận thay đổi từ hai bên. Điều này bao gồm cả chế độ trả lương cao hơn ít nhất 7% cho các vị trí yêu cầu học nghề, đào tạo nghề.
Cùng với đó, quy định về áp dụng địa bàn vùng lương tối thiểu. Theo đó, mức lương tối thiểu được xác định căn cứ vào nơi hoạt động của người sử dụng lao động. Nếu doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh ở các địa bàn khác nhau, thì mỗi đơn vị sẽ áp dụng mức lương tối thiểu của địa bàn nơi mình đóng trụ sở. Trường hợp khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên nhiều địa bàn với các mức lương tối thiểu khác nhau, thì mức cao nhất sẽ được áp dụng.
Trong trường hợp địa bàn có thay đổi về tên gọi hoặc chia tách, mức lương tối thiểu sẽ tạm thời giữ nguyên theo địa bàn cũ cho đến khi có quy định mới của Chính phủ. Nếu địa bàn mới được thành lập từ một hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì sẽ áp dụng mức cao nhất trong số các địa bàn cũ.
Nguyệt Hà
- TP.Hồ Chí Minh: Đề xuất hỗ trợ 100% tiền mua thẻ BHYT cho người từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi
- Tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện mức cao nhất đến 80%
- Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần bảo đảm an sinh
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt mục tiêu đề ra
- Vụ lật tàu du lịch ở Quảng Ninh: Sức khoẻ các nạn nhân được cứu đã ổn định