Vấn nạn rác thải nhựa ở Ấn Độ

Thứ Hai, 11 /11/2024 16:26

Mỗi năm Ấn Độ thải ra 9,3 triệu tấn rác thải nhựa. Con số này gần bằng tổng khối lượng rác thải của ba quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới là Nigeria, Trung Quốc và Indonesia cộng lại.

Theo các số liệu, gần một nửa trong 9,3 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm của Ấn Độ bao gồm nhựa dùng một lần, như chai đựng nước, túi nhựa, bao bì và dụng cụ ăn uống một lần. Tuy nước này đã cấm một số mặt hàng nhựa dùng một lần từ cách đây 2 năm nhưng vẫn không hạn chế được vấn nạn rác thải ngày càng tăng.

Trước tình hình đó, một số công ty khởi nghiệp như ReCircle có trụ sở tại Mumbai đã quyết định tự giải quyết vấn đề. ReCircle đã hợp tác với mạng lưới những người thu gom rác để tập kết rác thải nhựa, sau đó phân loại và xử lý chúng thành những viên nhỏ có thể tái chế thành các sản phẩm nhựa khác. Ông Rahul Nainani, nhà đồng sáng lập ReCircle, tin rằng tái chế là cách giải quyết hiệu quả vấn nạn đang ngày càng trầm trọng này.

Thống kê của chính phủ cho thấy khoảng 2/3 rác thải nhựa trong nước được tái chế. Tuy nhiên, số liệu từ Lộ trình Kinh tế Tuần hoàn quốc gia nhằm Giảm thiểu Rác thải Nhựa tại Ấn Độ lại phản ánh điều ngược lại: tổng tỷ lệ tái chế của cả nước có thể chỉ đạt gần 8%.

"Cách duy nhất để tăng tỷ lệ tái chế là tăng cường phân loại tại nguồn để vật liệu có thể được thu gom theo hạng mục và đến đúng cơ sở xử lý, thay vì đến bãi rác và đại dương", ông Nainani nói. 

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, khoảng 85% lượng rác thải của Ấn Độ được quản lý chưa đúng cách. Một số chuyên gia chỉ ra rằng vấn đề về nhựa của Ấn Độ là vấn đề đa chiều, đòi hỏi phải thay đổi cách thức quản lý rác thải và đảm bảo thực hiện các chính sách đúng cách.

Năm 2022, Ấn Độ đã cấm 19 mặt hàng nhựa dùng một lần như túi nhựa, dụng cụ ăn uống và ống hút. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định đây không phải là biện pháp toàn diện. Theo chuyên gia tư vấn môi trường độc lập Swati Singh Sambyal, để lệnh cấm có hiệu quả, Ấn Độ cần giáo dục cũng như vận động người dân chuyển sang các giải pháp thay thế, đồng thời triển khai các hệ thống giám sát và tuân thủ hiệu quả hơn. Những người chỉ trích thì cho rằng các nhà sản xuất và nhà bán lẻ dễ dàng lách lệnh cấm bởi nó không được thự thi đầy đủ.

Thực tế còn cho thấy, việc giảm thiểu rác thải nhựa không phải là ưu tiên hàng đầu của những bộ phận nghèo nhất xã hội đang sống qua ngày. Họ không đủ khả năng mua các loại bao bì thân thiện với môi trường như túi giấy và vẫn quen sử dụng túi nilon miễn phí. Điều này càng khiến cho vấn đề rác thải nhựa nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở các thành phố và làng mạc nhỏ, nơi rác đủ các loại chất đống dọc theo lề đường, gây tắc nghẽn sông ngòi, ô nhiễm môi trường và gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Các chuyên gia cảnh báo, ô nhiễm nhựa lan rộng đang đặt ra thách thức lớn đối với các nhà lập pháp ở quốc gia tỷ dân này. "Ô nhiễm nhựa ở Ấn Độ cực kỳ nghiêm trọng và việc sử dụng nhựa dùng một lần đang góp phần khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn" - Swathi Seshadri, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm trách nhiệm tài chính phi lợi nhuận có trụ sở tại New Delhi, nói. 

Trên phạm vi toàn cầu, khoảng 57 triệu tấn rác nhựa được thải ra mỗi năm.  Vào năm 2022, hầu hết các quốc gia đã đồng ý ký kết hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ở đại dương. Các cuộc đàm phán hiệp ước cuối cùng sẽ diễn ra trong tháng 11 năm nay tại Hàn Quốc.

Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, sản lượng nhựa có khả năng tăng từ khoảng 440 triệu tấn/năm lên hơn 1.200 triệu tấn/năm. Tổ chức này đồng thời cảnh báo rằng "hành tinh của chúng ta đang nghẹt thở vì nhựa".

Ngọc Tuấn