Vì sao giữ nguyên mức án đối với cựu Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phượng Dực?
Dù đại diện cơ quan BHXH xác nhận hơn 215 triệu đồng tiền BHXH vẫn đang được lưu giữ, không gây ra thiệt hại thực tế cho ngân sách nhà nước, nhưng Tòa án nhân dân TP.Hà Nội vẫn quyết định giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với cựu Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phượng Dực.
Ngày 21/7, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tiếp tục mở phiên phúc thẩm đối với bà Nguyễn Thị Thỏa- nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên cũ, Hà Nội) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, phiên phúc thẩm nhiều lần bị hoãn để triệu tập thêm cá nhân, tổ chức có liên quan.
Công an huyện Phú Xuyên (cũ) khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thoả - Ảnh: Đạt Lê
Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Thỏa cùng với Đinh Thị Huế (Kế toán từ năm 2009 đến tháng 3/2022), Dương Thị Nhung (Kế toán từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2022) và Vũ Thị Chi (Chủ tịch Công đoàn từ tháng 10/2018) đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 937 triệu đồng. Việc này xuất phát từ việc cho 23 giáo viên nghỉ làm, nhưng vẫn hưởng nguyên lương và BHXH, kéo dài từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2023.
Cụ thể, trong số tiền hơn 937 triệu đồng, có hơn 721 triệu đồng là tiền lương thu lại từ các giáo viên xin nghỉ, còn lại hơn 215 triệu đồng là tiền đóng BHXH cho những giáo viên đó. Số tiền này sau đó được giao lại cho Kế toán và Chủ tịch Công đoàn quản lý, sử dụng vào các hoạt động chung như tổ chức tham quan, nghỉ mát, học tập kinh nghiệm, may đồng phục... Không ai sử dụng khoản tiền này cho mục đích cá nhân.
Trong quá trình điều tra, truy tố, các bị cáo đã nộp lại để khắc phục hậu quả tổng cộng hơn 942 triệu đồng, trong đó riêng bà Thỏa nộp hơn 604 triệu đồng. Tại phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Phú Xuyên (cũ) tuyên phạt bà Thỏa 3 năm tù cho hưởng án treo. Các bị cáo khác cũng được áp dụng án treo.
Không đồng tình với bản án, bà Thỏa kháng cáo, đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét lại trách nhiệm của Ban giám hiệu, Công đoàn và Hội đồng sư phạm nhà trường, vì cho rằng các quyết định đều được thông qua các cuộc họp tập thể, bà không thể tự ý quyết định.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội trong các phiên xử trước đó cũng đề nghị triệu tập đại diện của BHXH huyện Phú Xuyên (cũ) để làm rõ số tiền hơn 215 triệu đồng, do có sự chênh lệch giữa số liệu của cơ quan BHXH và nhà trường.
Tại phiên tòa ngày 21/7, đại diện BHXH huyện Phú Xuyên (cũ) xác nhận số tiền 215 triệu đồng vẫn đang được cơ quan này giữ. Nguyên nhân dẫn đến chênh lệch số liệu trước đó là do sai sót khi nhập dữ liệu. Cơ quan BHXH cũng cho biết, số tiền này sẽ được khấu trừ vào kỳ đóng tiếp theo của Trường Mầm non Phượng Dực, vì đơn vị này vẫn đang hoạt động.
Dù vậy, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục giữ quan điểm đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại, cho rằng có dấu hiệu liên đới trách nhiệm của nhiều cá nhân trong Ban giám hiệu, Công đoàn và Hội đồng sư phạm mà cấp sơ thẩm chưa làm rõ.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến- người bào chữa cho bà Thỏa, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo hoặc kiến nghị của Viện Kiểm sát. Ông dẫn chứng có tới 14 biên bản, nghị quyết nhà trường thể hiện các nội dung cho giáo viên nghỉ và chi tiêu tiền đã được bàn bạc tập thể. Đồng thời, luật sư cũng đề nghị xem xét truy thu các khoản tiền mà giáo viên đã hưởng lợi từ nguồn tiền thu sai quy định như tham quan, đồng phục... vì đây là nguồn không hợp pháp.
Luật sư nhấn mạnh, số tiền 215 triệu đồng đang được BHXH lưu giữ, chưa gây thiệt hại thực tế, nên cần xem xét lại cách xác định thiệt hại trong vụ án, từ đó ảnh hưởng đến mức độ trách nhiệm hình sự và dân sự của các bị cáo.
Nói lời sau cùng tại tòa, bà Thỏa thừa nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu, nhưng khẳng định hành vi sai phạm là kết quả của quá trình làm việc tập thể, không mang mục đích tư lợi cá nhân và bản thân bà luôn ăn năn, khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện hồ sơ và lời khai, Hội đồng xét xử quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo. Hội đồng xét xử cho biết, số tiền thu từ giáo viên sau đó được chi cho các hoạt động mang tính dân sự, không còn là vật chứng của vụ án và các giáo viên được hưởng không biết hoặc không buộc phải biết về nguồn gốc số tiền, nên không bị truy thu. Tuy nhiên, nếu bà Thỏa cho rằng có thiệt hại cá nhân, bà có quyền khởi kiện dân sự riêng để yêu cầu bồi hoàn.
Đối với những cán bộ, giáo viên biết việc sai phạm nhưng không có quyền hạn và không tham gia việc thu chi sai quy định, Hội đồng xét xử nhận định không cần xử lý. Về số tiền 215 triệu đồng bảo hiểm, dù đang do BHXH quản lý nhưng được xác định là khoản chi sai quy định, nên Tòa tuyên sung vào ngân sách nhà nước, bởi các bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả toàn bộ số tiền này.
Thanh Hằng
- Tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thực phẩm giả gây bức xúc dư luận
- Không phải thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền nào cũng được quỹ BHYT thanh toán
- Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó với bão số 3
- Cảnh báo tình trạng giả mạo cán bộ cơ quan BHXH lừa đảo người đang hưởng lương hưu
- Khẩn trương triển khai hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh Tiểu học