Các dịch vụ công của ngành BHXH Việt Nam mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
Sáng 31/8, tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công( DVC) trực tuyến". Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng BCĐ Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT- đây là 2 trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia của Đảng và Nhà nước, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, nhằm hướng tới chăm sóc tốt nhất sức khỏe nhân dân.
Ngành BHXH Việt Nam thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân. Vì vậy, BHXH Việt Nam luôn xác định việc chuyển đổi số và thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ số, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, DN tốt hơn, hiệu quả hơn. Theo đó, đến nay, BHXH Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Thứ nhất, đến nay, 100% người tham gia BHXH, BHYT được thu thập thông tin trong CSDL quốc gia về bảo hiểm và cơ quan BHXH Việt Nam là đơn vị được giao chủ trì CSDL quốc gia về bảo hiểm. Đến nay, đã xác thực hơn 98,2 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó có khoảng 87,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 98,2% tổng số người tham gia và được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư.
Thứ hai, 100% quy trình nghiệp vụ của Ngành được thực hiện liên thông trên môi trường điện tử, các kết quả được số hóa toàn diện. Các quy trình nghiệp vụ được tái cấu trúc một cách triệt để, nhằm đơn giản hóa tối đa về thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Tính đến năm 2024, BHXH Việt Nam đã giảm từ 115 TTHC xuống còn 25 TTHC (giảm 78%). Số giờ thực hiện TTHC đã giảm 86%. Toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành. Từ đó, người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất.
Thứ ba, 100% DVC được cung cấp trực tuyến, trong đó 100% DVC đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ DVC trực tuyến toàn trình. Hiện nay có khoảng 621 nghìn tổ chức, DN, người SDLĐ đang giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua các Cổng DVC. 100% người dân có tài khoản định danh (VNeID) mức độ 2 có thể thực hiện các DVC trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam. Có khoảng 13 nghìn cơ sở y tế kết nối, liên thông trực tiếp với BHXH Việt Nam để thực hiện DVC thanh toán chi phí KCB BHYT cho khoảng 170 triệu lượt người/năm.
Thứ tư, 100% người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và trợ cấp thất nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng; 74% người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng tại khu vực đô thị đang được cơ quan BHXH chi trả qua tài khoản ngân hàng. Đối với nội dung này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp rất chặt chẽ của Bộ Công an, nên vừa qua, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đã đạt được từ dưới 50% tăng lên 74% trong tháng 7/2024.
Thứ năm, 100% cơ sở KCB BHYT có thể KCB bằng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID hoặc ứng dụng VssID. “Chưa bao giờ người dân đi KCB thuận lợi như hiện nay, do CSDL về BHYT với CSDL quốc gia về dân cư đã được đồng bộ 100%, nên người bệnh chỉ cần sử dụng CCCD gắn chip hoặc VNeID để làm thủ tục KCB, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên CCCD gắn chip hoặc với hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID,VssID chỉ mất khoảng 6-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký KCB.
Thứ sáu, việc chia sẻ hạ tầng, sử dụng chung nền tảng số. BHXH Việt Nam sử dụng nền tảng tiếp nhận dữ liệu KCB của Hệ thống thông tin giám định BHYT để hỗ trợ, chia sẻ với Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử để triển khai các DVC trực tuyến toàn trình như: Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và 2 nhóm TTHC liên thông "Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng". Đây là nền tảng sử dụng chung để BHXH Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Công an triển khai Hồ sơ sức khoẻ và Sổ Sức khoẻ điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên VNeID.
Thứ bảy, triển khai đầy đủ các phương án, giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin theo hướng dẫn của Bộ TT-TT và Bộ Công an. Trong đó, tập trung vào việc phòng ngừa từ sớm, từ xa.
Để đạt được những kết quả nêu trên, BHXH Việt Nam đã rút ra được 5 bài học kinh nghiệm. Cụ thể:
Thứ nhất, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, thúc đẩy công việc này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, động lực tăng trưởng, thực hiện với tinh thần quyết liệt, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Tại BHXH Việt Nam là Tổng Giám đốc trực tiếp chỉ đạo, tại 63 BHXH tỉnh/thành phố là đồng chí Giám đốc cấp tỉnh, cấp huyện.
Thứ hai, phải lấy người dân, DN là chủ thể, là trung tâm để phục vụ, để người dân, DN được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam mang lại, minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia giám sát của người dân, DN.
Thứ ba, luôn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06. Lấy kết quả thực hiện các chỉ tiêu là thước đo để đánh giá hiệu quả trong việc triển khai chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06; ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, sự chia sẻ sử dụng dữ liệu dùng chung của các bộ, ngành, địa phương, DN trong cải cách TTHC, cung cấp và sử dụng DVC trực tuyến. BHXH Việt Nam chia sẻ với các bộ, ngành không chỉ để các bộ, ngành sử dụng, mà chính cơ quan BHXH Việt Nam cũng được sử dụng; và cuối cùng người dân, DN được thụ hưởng các lợi ích này.
Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi về tư duy, nhận thức và hành động trong công cuộc chuyển đổi số. Đối với cán bộ của Ngành, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cụ thể hóa hành động trong khi xây dựng quy trình nghiệp vụ phải được thực hiện trên môi trường số. Đối với người dân, đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ bằng nhiều mô hình đa dạng, linh hoạt và phù hợp, làm cho người dân tin tưởng, dần dần hình thành thói quen sử dụng các DVC trực tuyến. Thiết lập các kênh trao đổi thông tin công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân để hoàn thiện quy trình nghiệp vụ của Ngành.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng đã có những kiến nghị, đề xuất đối với các bộ, ngành nhằm phối hợp đẩy mạnh triển khai các DVC trực tuyến.
Thứ nhất, đối với các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hình thành các kho dữ liệu, thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC và chia sẻ với cơ quan BHXH để tái sử dụng các kết quả này khi thực hiện DVC trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam.
Thứ hai, đối với Bộ Công an hướng dẫn, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật nhằm triển khai chia sẻ thông tin, dữ liệu cá nhân từ CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định pháp luật có liên quan.
Thứ ba, đối với Bộ TT-TT, Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ BHXH Việt Nam trong việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng; tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.
Thứ tư, đối với Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ dữ liệu người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nông-lâm-ngư nghiệp, bảo trợ xã hội, người có công để đối soát, xác thực khi thực hiện các DVC trực tuyến. Hoàn thiện CSDL về BH thất nghiệp và kết nối, liên thông với cơ quan BHXH để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC quốc gia.
Thủy Hà
- HSSV tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm được NSNN hỗ trợ
- Lấy cảm hứng từ sự ưu việt của Đề án 06 để triển khai quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi số
- Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phân cấp, phân quyền đi đôi với việc phân bổ nguồn lực
- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực y tế