Cần mức lương phù hợp để giữ lao động tại khu vực công

Thứ Hai, 04 /11/2024 17:44

Thảo luận về kinh tế- xã hội chiều 4/11, các ĐBQH đã nêu thực trạng nhiều nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao cũng như việc nâng cao trình độ lao động…

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) khẳng định, việc thu hút nhân tài vào khu vực công vẫn còn gặp khó khăn nhất định. Mức lương khởi điểm của công chức không đủ thuê nhà ở các thành phố lớn. Đặc biệt, thời gian qua, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương được nhắc đến rất nhiều. Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng cho biết việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) 

Về cải cách tiền lương, ĐB Đồng cho biết, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay. Cho dù như vậy, một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu thì lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác. Vì vậy, nhiều địa phương đã xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài. Đồng thời, Chính phủ có những đột phá về nhân lực mới gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.

Phát biểu tranh luận về nguồn nhân lực, ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) đề nghị nước ta cần nhanh chóng nghiên cứu chínhsách dân số trước thách thức già hóa dân số. Có nguồn nhân lực tốt mới giữ được đà tăng trưởng 6-7% cho những năm tới, đồng thời chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao sẽ đến trong tương lai gần. “Về vấn đề tinh giản biên chế bộ máy hành chính cấp huyện, xã, cần “cách mạng hóa” về biên chế, bộ máy từ Trung ương đến địa phương. Nếu giảm biên chế, đại biểu nêu 2 ưu điểm là giảm người sách nhiễu và tăng lương cho cán bộ mẫn cán. Như vậy, cán bộ sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn”- ĐB Kim khẳng định.

Nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội tại Phiên khai mạc, ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, đây là những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, đồng bộ, toàn diện, được tính toán kỹ trên cơ sở đi thẳng vào những tồn tại, hạn chế. Trong đó, có việc ưu tiên làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Song, để góp phần thực hiện hiệu quả giải pháp này, ĐB Vân đề nghị cần xác định rõ một trong ba đột phá chiến lược đóng vai trò chìa khóa của sự phát triển, thực hiện mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao đó chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh tế tri thức- đây là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn dân số vàng.

ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) 

Bên cạnh đó, hiện nay tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp. Vì vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao trình độ lao động; các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp “đặt hàng” các doanh nghiệp lớn, khuyến khích tham gia từ khâu xây dựng chương trình, mục tiêu đào đạo, doanh nghiệp trở thành địa chỉ thực hành, là nơi giải quyết việc làm cho người học. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng các ưu đãi như giảm thuế, ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ chi phí đào tạo, bù lương cho nhân viên tham gia đào tạo, khấu trừ một phần chi phí doanh nghiệp trong năm tài chính cho đào tạo như kinh nghiệm của Đức và Tây Ban Nha nhằm tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của nguồn nhân lực trẻ, dồi dào…

Cùng với đó, cần quan tâm, đầu tư mạnh mẽ phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics. Đây là mắt xích quan trọng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. “Mặc dù Việt Nam được xếp hạng chỉ số chất lượng hạ tầng toàn cầu năm 2023 tăng 2 bậc, đứng thứ 52/185 quốc gia và dù chi phí logistics có cải thiện nhưng vẫn ở mức cao, chiếm tới 16,8-17% GDP, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Cần tháo gỡ cho doanh nghiệp logistics nội địa, hiện chiếm 89% về số lượng nhưng chỉ chiếm 30% thị phần bằng việc hoàn thiện đồng bộ 3 chân kiềng: hạ tầng, nhân lực và cơ chế; ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân, hỗ trợ logistics xanh và công nghệ số hóa, miễn thuế cho doanh nghiệp logistics bên thứ 3, cũng như miễn thuế cho doanh nghiệp phát triển cảng và đường thủy…”- ĐB Vân phân tích.

V.Thu