Sửa đổi Luật Việc làm: Thích ứng với già hóa dân số và Cách mạng Công nghiệp 4.0
Sáng 9/11/2024, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Kịp thời thích ứng với già hóa dân số và Cách mạng công nghiệp 4.0
Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự án Luật cũng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung (Bộ luật Lao động 2019, Luật Cư trú 2020, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật BHXH 2024 …).
Phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm mà Việt Nam tham gia như Công ước của LHQ về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em, Công ước về người khuyết tật, các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, BH thất nghiệp, đăng ký lao động. Đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, Cách mạng Công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Dự thảo Luật đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách BH thất nghiệp của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15. Tổng hợp những kiến nghị của các ĐBQH, cử tri về lĩnh vực việc làm; rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan. Rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm. So với Luật Việc làm năm 2013, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách BH thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã nêu tại Tờ trình số 676. Tuy nhiên, thực hiện đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật: chỉ quy định trong Luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã quy định hỗ trợ tạo việc làm mới, duy trì, mở rộng việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, quy định cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi và làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để bảo đảm khả năng thực hiện, nhất là nguồn vốn cho vay ở địa phương để hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục rà soát để quy định về nguồn vốn cho vay từ NSNN thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan; quy định các nguyên tắc cơ bản để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; hỗ trợ việc làm cho thanh niên, người cao tuổi.
Đối với đăng ký lao động, dự thảo Luật mới chỉ quy định người SDLĐ có trách nhiệm thực hiện đăng ký lao động; thiếu quy định đăng ký lao động đối với NLĐ không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và NLĐ là người nước ngoài; chưa có quy định khuyến khích NLĐ chủ động đăng ký lao động; nghiên cứu quy định để việc đăng ký lao động và phương thức quản lý lao động phù hợp, thích ứng với quá trình triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025; chưa rõ vai trò chủ trì, đầu mối của ngành LĐ-TB&XH trong đăng ký lao động; cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu về lao động giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ tính khả thi của quy định đăng ký lao động đối với NLĐ tự do; sự cần thiết quy định thêm thủ tục đăng ký lao động đối với người tham gia BHXH bắt buộc; sự phù hợp khi người SDLĐ khai báo thông tin về lao động cho cơ quan BHXH và rà soát, loại bỏ những quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký lao động thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong dự thảo Luật.
Về hệ thống thông tin thị trường lao động, Ủy ban Xã hội cho rằng, Dự thảo Luật quy định LĐ-TB&XH là cơ quan đầu mối và chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện các hoạt động thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin, phân tích, dự báo, phổ biến thông thị trường lao động. Trên thực tế, nhiều thông tin về lao động, việc làm đang được Tổng cục Thống kê thực hiện và nhiều thông tin liên quan có trong cơ sở dữ liệu về BHXH, dân cư, cư trú. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá cụ thể, làm rõ: tác động tài chính của việc xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động; tính liên thông, lộ trình thực hiện liên thông với các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến lao động, việc làm. Đồng thời, cần phân định thẩm quyền và phạm vi thu thập, tổng hợp, quản lý thông tin về lao động giữa ngành LĐ-TB&XH với cơ quan thống kê cũng như làm rõ thời hạn công bố, phổ biến kết quả thu thập, phân tích, dự báo thông tin về thị trường lao động.
V.Thu
- Thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Đánh giá kỹ tác động của chính sách giáo dục đến đời sống giáo viên
- Dự án Luật Việc làm (sửa đổi): Mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp, đảm bảo an sinh cho NLĐ
- Đầu tư về cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế