Đầu tư về cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế
Thảo luận về tình hình thực hiện NSNN năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 vào sáng 5/11/2024, một số ĐBQH đề nghị, cần tăng đầu tư cho giáo dục, y tế và tháo gỡ vướng mắc cho đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, chi phí hợp lý cho người dân...
Quan tâm đến lĩnh vực đầu tư công, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, đầu tư công của nước ta trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả rất tích cực cả về số lượng và chất lượng. Điều này thể hiện qua tổng vốn đầu tư tăng lên và được phân bổ khá tập trung vào các công trình trọng điểm và nhờ đó các công trình trọng điểm quốc gia đã được đầu tư, sớm hoàn thành. Đặc biệt, nếu như đầu nhiệm kỳ chúng ta mới có 1.000 km đường cao tốc thì nay đã có trên 2.000 km đường cao tốc, đến năm 2025 có thể thực hiện được mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
Đồng thời, ĐB Cường cũng chỉ rõ, nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố con người luôn được đánh giá là khâu đột phá chiến lược quan trọng, quyết định đến thành công của các khâu đột phá chiến lược khác, nhưng “dường như đầu tư cho giáo dục để phát triển trí lực và đầu tư cho y tế để bảo đảm sinh lực dường như còn mờ nhạt trong số liệu về đầu tư công”. Bên cạnh đó, một số bệnh viện thực hiện tự chủ hoàn toàn đã có cơ sở vật chất tốt, có điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân nhưng lại “vướng” nỗi “lo nhất là trả lãi suất vay vốn đầu tư hạ tầng cơ sở”. Nếu tính khấu hao, chi thường xuyên thì các bệnh viện thực hiện tự chủ hoàn toàn sẽ không phải lo khi tính giá thành, giá dịch vụ y tế. Song, nếu cộng thêm trả vốn vay, trả lãi vay ngân hàng thì chi phí đội lên cao, bệnh nhân sẽ không chịu được. “Đây có lẽ là nguyên nhân lớn khiến các bệnh viện trung ương không dám nhận tự chủ vì nếu nhận tự chủ thì trong chi phí của những bệnh viện này có những khoản chi không đúng với các yếu tố cấu thành chi phí y tế”- ĐB Cường nhận định.
Đối chiếu với lĩnh vực giáo dục, ĐB Hoàng Văn Cường cũng cho biết, nếu trường đại học được đầu tư đầy đủ, cơ sở vật chất khang trang thì sinh viên có điều kiện học tập, sinh hoạt tiện nghi hơn, trong khi chi phí của hệ đại trà không được cao hơn các trường khác. Tuy nhiên, nếu các trường phải vay vốn ngân hàng để đầu tư cơ sở hạ tầng thì chi phí đào tạo sẽ cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến học phí của những trường đại học tự chủ tăng cao trong thời gian qua vì phải gánh chi phí đầu tư ban đầu, trả lãi suất vay vốn ngân sách.
“Nếu thực hiện cơ chế tự chủ mà để trường học, bệnh viện tự lo, tự xoay sở, tự trả như vậy thì không khác cơ chế tự chủ thị trường, không phải tự chủ XHCN. Do đó, cần tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ NSNN cho hai lĩnh vực y tế, giáo dục lên ít nhất phải đủ đầu tư cơ sở ban đầu và sau khi xây dựng cơ sở vật chất xong mới giao các trường tự chủ, tự tính khấu hao để tái đầu tư, tự lo thường xuyên. Khi đó, các đơn vị này có thể tự lo, tự chịu được, mà bệnh nhân, sinh viên không phải chịu chi phí dịch vụ cao. Đầu tư cho lĩnh vực nào cũng quan trọng, cũng cấp bách, nhưng chỉ cần điều chỉnh một chút từ những lĩnh vực khác tập trung cho giáo dục, y tế thì hàng triệu người học, hàng chục triệu người bệnh sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, chi phí hợp lý, qua đó thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực để phát triển đất nước bền vững”- ĐB Cường nhấn mạnh.
ĐB Lê Quân (Hà Nội)
Cũng liên quan đến việc đầu tư cho giáo dục, ĐB Lê Quân (Hà Nội) cho rằng, qua kinh nghiệm từ một số đại học top đầu trên thế giới ở các quốc gia lân cận cho thấy, đại học có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ thầy cô, nhà khoa học đông đảo, có khối tài sản công rất lớn, chỉ còn thiếu cơ chế để có thể vận hành tự chủ và tạo nguồn thu lớn. Do đó, pháp luật về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục. Bởi, dù Luật Thủ đô đã có những quy định ưu việt trong sử dụng tài sản công nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội không phải là đối tượng áp dụng của Luật Thủ đô. “Trong thời gian tới, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng giúp Đại học được chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học”- ĐB Quân nêu.
Quan tâm đến chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, ĐB Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) cho rằng, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Nguyên nhân chủ yếu là do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung thuộc các lĩnh vực: NSNN và công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công…
ĐB Triệu Quang Huy cũng ghi nhận, qua rà soát, những quy định pháp luật chưa rõ ràng hoặc chưa tương thích, Chính phủ nhận diện và tại Kỳ họp này đã trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu thầu… để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm nói chung, công tác chuẩn bị đầu tư nói riêng. Song, để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, ĐB Huy đề nghị, khi đưa danh mục dự án vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án. Người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt.
Đồng thời, bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước. “Việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới”- ĐB Huy nhấn mạnh.
Nguyệt Hà
- Thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Đánh giá kỹ tác động của chính sách giáo dục đến đời sống giáo viên
- Dự án Luật Việc làm (sửa đổi): Mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp, đảm bảo an sinh cho NLĐ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Thích ứng với già hóa dân số và Cách mạng Công nghiệp 4.0