Đổi mới mạnh mẽ và thực chất hoạt động của tổ chức Công đoàn
Ngày 5/8, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Chia sẻ tại Hội thảo, GS-TS.Tạ Ngọc Tấn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, năm 2024, Công đoàn các địa phương được giao 5.119 biên chế. Trong khi đó, hệ thống MTTQ ở địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) có 16.116 biên chế, Đoàn Thanh niên có 16.080 biên chế, Hội LHPN có 15.509 biên chế, Hội Nông dân có 14.436 biên chế.
Nếu không tính số đơn vị hành chính cấp xã ở các địa phương (khoảng 10.500 đơn vị), số biên chế của tổ chức Công đoàn cấp trên cơ sở không chênh lệch nhiều so với các tổ chức chính trị-xã hội khác. Tuy nhiên, nếu xét theo góc độ tốc độ thu hút vốn FDI, gia tăng các trung tâm kinh tế, các KCN; gia tăng số lượng người tham gia thị trường lao động, số lượng đoàn viên Công đoàn trong DN... thì số lượng cán bộ Công đoàn cơ sở đối diện với thách thức lớn về sự thiếu hụt nhân sự.
Số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho thấy, tính đến tháng 12/2023, cả nước có 11,225 triệu đoàn viên Công đoàn sinh hoạt trong 124.325 Công đoàn cơ sở, nhưng chỉ có 6.630 cán bộ Công đoàn chuyên trách. Nếu không tính phân cấp, trung bình một cán bộ Công đoàn chuyên trách phụ trách hoạt động của 18,75 Công đoàn cơ sở. Trong khi đó, số biên chế của tổ chức Công đoàn ngày càng thu hẹp.
Việc thiếu hụt nhân sự của hệ thống tổ chức Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở, sẽ tác động sâu sắc đến tình hình việc làm, vấn đề thu hút, tập hợp, giáo dục đoàn viên và NLĐ, trong đó có vấn đề an ninh công nhân nói riêng, an ninh trật tự, an ninh chính trị nói chung. “Đây là vấn đề lớn, có tính chất cấp bách, cần được các cơ quan có trách nhiệm đặc biệt quan tâm, xem xét; để có những giải pháp nhanh chóng, hợp lý tăng cường số lượng cán bộ Công đoàn phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, nhất là trước thách thức, cạnh tranh từ sự xuất hiện các tổ chức của NLĐ tại DN”- GS-TS.Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam hiện nay còn một số bất cập, hạn chế như: Mô hình Công đoàn ngành chưa thật sự mang tính ngành nghề; Công đoàn cơ sở trong các DN có nhiều cấp trung gian, nhất là các DN có quy mô lao động lớn, có nhiều đơn vị thành viên; nhiệm vụ mỗi cấp chưa được phân định rõ, còn chung chung. Ngoài ra, năng lực của một bộ phận cán bộ Công đoàn còn nhiều hạn chế; tổ chức ban nghiệp vụ ở một số ngành, địa phương chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã khẳng định, trong quá trình cách mạng Việt Nam, nhất là trong gần 40 năm đổi mới, hoạt động Công đoàn ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; các cấp Công đoàn phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội và người SDLĐ, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, NLĐ; góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, bối cảnh thế giới diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp; tình hình trong nước cũng đã có những thay đổi to lớn, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ lao động đã có nhiều biến động, chuyển dịch to lớn. Bối cảnh đó đang đặt ra cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam những thuận lợi cơ bản và cả những khó khăn, thách thức mới, đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đa dạng đối với tổ chức Công đoàn về cả sứ mệnh, phương thức tổ chức và hoạt động thực tiễn.
Đại diện cho tổ chức Công đoàn cơ sở, ông Đinh Sỹ Phúc- Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina đề nghị cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, kỹ năng hoạt động của cán bộ Công đoàn; nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước về kỹ năng đối thoại, thương lượng, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong thực tiễn. Đặc biệt, cần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối thoại về tiền lương- đây là nội dung hầu hết đoàn viên, NLĐ mong đợi.
Nguyệt Hà
- Vi phạm mua bán trên thương mại điện tử gia tăng và diễn biến phức tạp
- Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực giới
- Công đoàn tặng sổ tiết kiệm cho trẻ có cha mẹ tử vong do bão số 3
- Thái Nguyên: Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo
- Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm