Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động sâu sắc về kinh tế, một trong những mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra là tăng trưởng kinh tế đạt mức hai con số- đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế có sức cạnh tranh cao.
Tại Hội thảo Khoa học quốc gia Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức mới đây, các nhà khoa học đã cung cấp những cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số, hướng tới thảo luận các vấn đề cốt lõi.
Trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, phát triển doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn là những giải pháp mở lối cho kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Đứng trước cơ hội và thách thức
Chia sẻ tại Hội thảo, TS.Đặng Xuân Thanh- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển có tính chất quyết định vận mệnh của đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu rất rõ ràng: đưa Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để hiện thực hóa khát vọng đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là: Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục, ổn định và bền vững trong các thập niên tới.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 7,09%- là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới, mở ra một bước chuyển mình mới, giai đoạn phát triển kinh tế Việt Nam trong 2025 - 2030. Tuy nhiên, năm 2025 trong bối cảnh thế giới đầy biến động và các động lực tăng trưởng truyền thống dần cạn kiệt, Việt Nam buộc phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Theo TS.Đặng Xuân Thanh, tăng trưởng kinh tế hai con số không thể chỉ dựa vào việc tăng nguồn lao động, vốn đầu tư hay tăng khai thác tài nguyên mà cần phải gắn với đột phá về mặt thể chế. Do đó, Việt Nam cần xây dựng một khuôn khổ thể chế hiện đại, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội.
“Việt Nam đang đứng trước thách thức khi không gian kinh tế truyền thống như tài nguyên, đất đai, lao động tay nghề thấp hay đầu tư công đang dần thu hẹp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta nhận diện các không gian tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế biển, không gian đổi mới sáng tạo...”, TS.Đặng Xuân Thanh nhận định.
Để kinh tế vươn xa, TS.Đặng Xuân Thanh cho rằng, Việt Nam cần thiết lập một “nền tảng thể chế công bằng” cho doanh nghiệp tư nhân bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản thị trường, đồng thời tăng cường hỗ trợ về nghiên cứu, phát triển, kết nối thị trường và bảo vệ quyền lợi pháp lý.
Cùng với đó, cần cần đa dạng hóa các công cụ tài chính, phát triển thị trường vốn trong nước, mở rộng quy mô và chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển các quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các quỹ tài chính xanh và cơ chế huy động vốn hợp tác công tư hiệu quả…
Giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng
Nêu ý kiến tại Hội thảo, TS.Vũ Thành Tự Anh- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, chuyển hóa cơ cấu là chìa khóa cho tăng trưởng cao. Trong đó, ba trụ cột nền tảng của chuyển hóa cơ cấu, đó là thể chế dung hợp, kinh tế thị trường và nhà nước kiến tạo. Đặc biệt, Nghị quyết 68 mới được ban hành đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là trung tâm của quá trình phát triển và là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Vì vậy, TS.Vũ Thành Tự Anh đặc biệt nhấn mạnh 3 cấp độ năng lực, đó là: Năng lực của nhà nước thể hiện qua tính chính danh và cam kết chính trị cao đối với sứ mệnh phát triển; năng lực chính sách thể hiện qua sự đảm bảo sự nhất quán trong thiết kế, phối hợp hiệu quả giữa các công cụ và sự linh hoạt trong thực thi; và năng lực hành chính thể hiện qua việc xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, chủ động và có khả năng điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn.
Chia sẻ giải pháp đột phá về thể chế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số, TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đề xuất các giải pháp như: ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng với đầu tư công đạt 8-9% GDP; tiết kiệm chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển; thắt chặt hợp lý chính sách tiền tệ, hạn chế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng để tránh nguy cơ lạm phát và bất ổn vĩ mô…
Dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về vai trò của Nhà nước trong điều tiết vĩ mô, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm cơ chế thị trường vận hành hiệu quả, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội. Theo TS.Nguyễn Đình Cung, đây cần được coi là định hướng cốt lõi để đột phá thể chế, là tiêu chí để rà soát, bãi bỏ các quy định pháp luật không phù hợp và nhấn mạnh việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế bao gồm: Từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao nguyên tắc thị trường và loại bỏ cơ chế “xin- cho”; rà soát, bãi bỏ các quy định pháp luật chồng chéo, không rõ ràng; chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; quản lý theo kết quả; phân cấp mạnh mẽ cho địa phương; phát triển nền hành chính hiệu quả, thúc đẩy khởi nghiệp và kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, ông đề xuất hình thành các “điểm” thể chế đột phá như khu tự do đổi mới sáng tạo công nghệ cao và khu thương mại tự do chuyên ngành, với thể chế vượt trội theo thông lệ quốc tế tốt, nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư, khuyến khích sáng tạo và tăng năng suất trong kỷ nguyên mới.
Thanh Hằng
- Bé trai trong vụ “nộp đủ tiền mới cấp cứu” được Quỹ BHYT chi trả 100% viện phí
- Tái bản cuốn sách về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Triển lãm Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người diễn ra từ ngày 16- 20/5.
- Sắp diễn ra Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội - năm 2025
- Chấn chỉnh các vi phạm trong lĩnh vực dược, thực phẩm