Khoảng cách tiền lương theo giới tính ở Pháp

Thứ Ba, 01 /03/2022 20:04

Theo USB Management Review, khái niệm “chênh lệch tiền lương theo giới” là “sự khác biệt về tiền lương giữa nam và nữ đối với cùng một loại công việc hoặc công việc có giá trị như nhau”.

Phải gánh chịu “chênh lệch tiền lương theo giới” là rào cản đối với bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ và công cuộc giảm nghèo toàn cầu. Mặc dù trong những năm qua, Pháp đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới nhưng “chênh lệch tiền lương theo giới” ở quốc gia này vẫn khiến công dân nữ gặp nhiều bất lợi.

Năm 2018, “chênh lệch lương theo giới” ở Pháp ở mức 15,2%, thấp hơn một chút so với mức trung bình của châu Âu là 16,2% trong cùng năm. Như vậy có nghĩa là nam giới kiếm được nhiều hơn phụ nữ khoảng 15,2% cho công việc có cùng tính chất. Vào năm 2019, “chênh lệch lương theo giới” trung bình ở châu Âu được cải thiện, giảm xuống 14,1%; trong khi đó, Pháp lại chứng kiến ​​sự chênh lệch tới 16,5%, xếp cao thứ 10 trong EU. Estonia có “chênh lệch lương theo giới” cao nhất (21,7%), còn Luxembourg thấp nhất (1,3%). Les Glorieuses- bản tin về nữ quyền của Pháp, cho biết: Năm 2021, “chênh lệch lương theo giới” ở Pháp về cơ bản tương đương với việc phụ nữ làm việc không lương kể từ ngày 3 tháng 11 trở về cuối năm.

Nguyên nhân “chênh lệch lương theo giới” ở Pháp

Cũng giống như phụ nữ các quốc gia trên thế giới, phụ nữ Pháp có xu hướng gánh vác gánh nặng chăm sóc gia đình và con cái hơn đàn ông- Đó là lý do tại sao 80% việc làm của phụ nữ ở Pháp thuộc khu vực công việc bán thời gian (part-time).

Nhìn chung, phụ nữ Pháp dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ mà không được trả lương. Khi phụ nữ sinh con đầu lòng, khoảng từ 30 đến 35 tuổi, “chênh lệch lương theo giới” càng rõ ràng hơn. Ngoài ra, thời gian nghỉ thai sản có xu hướng tác động không công bằng đến sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ, khiến họ rơi vào tình thế bất lợi hơn cho việc thăng chức.

Vị thế của phụ nữ Pháp tại nơi làm việc

Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Pháp thứ 16 trên toàn cầu về quy mô “chênh lệch lương theo giới”; hệ quả của việc này là Pháp chỉ đứng thứ 58 hạng mục Tham gia kinh tế và Cơ hội cho phụ nữ ở Pháp. Phụ nữ Pháp chỉ nắm giữ 34,6% các vị trí cấp cao và quản lý, thấp hơn so với Vương quốc Anh (36,8%) và Mỹ (42%). Mặc dù Pháp và 25 quốc gia khác đứng đầu bảng xếp hạng về Trình độ học vấn cho phụ nữ, song chỉ có một công ty duy nhất trong số 40 công ty lớn nhất của Pháp do phụ nữ điều hành là Engie (CEO Catherine MacGregor).

Nỗ lực để giảm “chênh lệch lương theo giới”

Pháp đã thông qua Luật Cope-Zimmermann cách đây 11 năm, trong đó, thiết lập “hạn ngạch cho sự cân bằng giới tính của Hội đồng Quản trị công ty, với mục đích đạt tỷ lệ đại diện tối thiểu cho mỗi giới là 40%”. Luật cũng quy định trong 3 năm kể từ khi thông qua, “20% thành viên Hội đồng Quản trị của một công ty phải là phụ nữ, tăng lên 40% trong vòng 6 năm sau đó”. Luật này chỉ áp dụng cho một số công ty nhất định trong giới hạn doanh thu và nhân viên cụ thể. Hiện tại, Pháp đang dẫn đầu toàn cầu về vấn đề này, với 43% đại diện của phụ nữ trong Hội đồng Quản trị công ty. Trong khi đó, Vương quốc Anh có 36% đại diện, Thụy Điển có 35% đại diện.

Để đối phó với những tác động không cân xứng của Covid-19 đối với phụ nữ, “EU đã công bố một dự thảo luật buộc quy định công ty có [hơn] 250 nhân viên phải công bố công khai số liệu thống kê hàng năm về tiền lương của nhân viên”. Quy định cũng được áp dụng cho công ty quy mô nhỏ hơn, “mặc dù chỉ theo yêu cầu của nhân viên chứ không bắt buộc phải công khai”. Các báo cáo minh bạch về lương này sẽ giúp hạn chế “chênh lệch lương theo giới”. Tuy nhiên, để dự thảo có hiệu lực, cần “đa số phiếu thuận của Nghị viện Châu Âu và sự nhất trí của Chính phủ tất cả 27 quốc gia thành viên EU”. Như vậy, Pháp và thế giới nói chung vẫn nỗ lực không ngừng nhằm giảm “chênh lệch lương theo giới” và dỡ bỏ các rào cản bất bình đẳng giới, cho phép phụ nữ có được sự thăng tiến và tiến bộ như đồng nghiệp nam của họ.

Tùng Anh (Theo Sierrah Martin)