Kinh tế châu Á “thấm đòn” của thiên tai

Thứ Năm, 25 /04/2024 09:24

Biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã có những tác động mạnh mẽ đến châu Á, và châu lục này vẫn là nơi hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. 

Theo một báo cáo mới ngày 23/4 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), lũ lụt và bão lốc gây thương vong nhiều nhất và thiệt hại kinh tế cao nhất đối với khu vực trong năm 2023, trong khi tác động của sóng nhiệt ngày càng nghiêm trọng. Mang tựa đề Hiện trạng Khí hậu ở châu Á 2023, báo cáo nhấn mạnh rằng tốc độ gia tăng của các chỉ số biến đổi khí hậu chính như nhiệt độ bề mặt, sự rút lui của sông băng và mực nước biển dâng… sẽ tác động lớn đến các cộng đồng, các nền kinh tế và hệ sinh thái trong khu vực. 

Trong năm 2023, nhiệt độ mặt nước biển ở tây bắc Thái Bình Dương vọt lên mức cao kỷ lục. Kể cả Bắc Băng Dương cũng trải qua một đợt nắng nóng trên biển.

Báo cáo cho biết, châu Á hiện đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu. Xu hướng ấm lên đã tăng gần gấp đôi kể từ giai đoạn 1961-1990. 

"Những kết luận được đưa ra trong báo cáo thật đáng giật mình. Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua một năm nóng kỷ lục vào 2023, cùng với hàng loạt điều kiện khắc nghiệt từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và giông bão. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các xã hội, các nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống của con người và môi trường mà chúng ta đang sống", Tổng thư ký WMO Celeste Saulo nói.

Theo Dữ liệu Các sự kiện Khẩn cấp, trong năm 2023, tổng cộng 79 thảm họa liên quan đến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đã xảy ra ở châu Á. Trong số này, hơn 80% liên quan đến lũ lụt và giông bão, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.

"Trong năm 2023, các quốc gia dễ bị tổn thương một lần nữa vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Chẳng hạn, bão nhiệt đới Mocha- cơn cuồng phong dữ dội nhất ở Vịnh Bengal trong 10 năm qua - đã tấn công Bangladesh và Myanmar. Cảnh báo sớm và sự chuẩn bị sẵn sàng tốt hơn đã cứu mạng hàng nghìn người", Armida Salsiah Alisjahbana, Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP)- Cơ quan hợp tác với WMO thực hiện báo cáo bình luận. 

"Trong bối cảnh đó, báo cáo Hiện trạng Khí hậu ở châu Á 2023 là một nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khoa học khí hậu và rủi ro thiên tai thông qua các đề xuất chính sách dựa trên bằng chứng. ESCAP và WMO, hợp tác với nhau, sẽ tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao tham vọng về khí hậu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách hợp lý, bao gồm đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả mọi người trong khu vực để không ai bị bỏ lại phía sau…" bà Armida nói.

Khoảng 80% thành viên WMO ở khu vực đang cung cấp dịch vụ về khí hậu để hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, theo báo cáo, chưa đến 50% thành viên có các dự báo về khí hậu và các sản phẩm phù hợp cần thiết để cung cấp thông tin về quản lý rủi ro, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như các tác động của nó.

Hiện trạng Khí hậu ở châu Á 2023 là một trong loạt báo cáo của WMO về khí hậu, được công bố trong phiên họp lần thứ 80 của Ủy ban này tại Bangkok, Thái Lan. Báo cáo được thực hiện dựa trên thông tin đầu vào từ các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, từ các nước và mạng lưới chuyên gia khí hậu đối tác. Nó phản ánh cam kết của WMO trong việc ưu tiên các sáng kiến khu vực và cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định. 

Theo dữ liệu Dữ liệu Các sự kiện Khẩn cấp, năm 2023, hơn 80% mối nguy hiểm về khí tượng thủy văn được báo cáo ở châu Á là lũ lụt và bão. Đặc biệt, lũ lụt là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu gây tử vong trong các đợt thiên tai năm 2023. Ở Ấn Độ, Yemen và Pakistan, lũ lụt là thảm họa tự nhiên khiến nhiều người chết nhất. Tổng cộng 17 cơn bão nhiệt đới đã hình thành ở phía tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông. Đây là mức dưới trung bình nhưng vẫn có tác động lớn và gây ra lượng mưa kỷ lục ở các nước trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc.  

Hoàng Dương