Kinh tế Quý I khởi sắc, triển vọng tích cực cho kinh tế 2024?
GDP Quý I năm 2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I trong 4 năm gần đây (2020-2023). Bức tranh kinh tế- xã hội của Việt Nam trong quý I/2024 đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Quý I năm 2024 tăng cao nhất trong vòng 4 năm
Đánh giá kết quả số liệu thống kê kinh tế- xã hội quý I/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê- bà Nguyễn Thị Hương nhận xét: Những kết quả phát triển kinh tế- xã hội quý I/2024 của Việt Nam đã khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023 (số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng GDP Quý I năm trước các năm 2020-2023 lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,08% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,46%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm.
Lực đỡ cho nền kinh tế hiện nằm ở khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 6,28%. Nhờ các chính sách thúc đẩy đầu tư công, khu vực này đem lại giá trị, đóng góp gần 41,7% vào tăng trưởng chung cả nước. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,84% (sản lượng khai thác than giảm 0,3% và dầu mỏ thô khai thác giảm 3,2%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 6,83%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,87% của quý I/2023, đóng góp 0,4 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, Tổng cục Thống kê đánh giá, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao. Trong đó, ngành vận tải kho bãi tăng 10,58% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,68 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,34%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 6,94%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,2%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 4,14%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm.
Triển vọng phục hồi từ khối DN
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký DN đã có bước khởi sắc rõ rệt ngay trong tháng Ba, khi cả nước có 14,1 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 113,5 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 104,4 nghìn lao động, tăng 64,3% về số DN, tăng 68,7% về vốn đăng ký và tăng 105,2% về số lao động so với tháng 2/2024.
Tính chung trong quý I/2024, cả nước có 59.900 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 20.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2024 đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số lao động đăng ký trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 260 nghìn lao động, lao động bình quân trên một DN đạt 7,1 lao động (tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2023)...
Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, lãnh đạo Tổng cục Thống kê vẫn cho rằng, mục tiêu GDP 2024 còn nhiều thách thức khi “các tổ chức quốc tế đều đã đưa ra nhận định ở các mức khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 nhưng đều thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2023 từ 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm”.
Để thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục đà phát triển tích cực, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế mà lâu nay Chính phủ vẫn đang thúc đẩy. Đó là thúc đẩy đầu tư công; duy trì, kích thích tổng cầu trong nước với quy mô dân số hơn 100 triệu người; vào xuất khẩu (phụ thuộc vào sự thích ứng của các DN trong nước về thay đổi xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất xanh để tăng xuất khẩu…); đổi mới thể chế, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch để thúc đẩy DN và các tổ chức kinh tế hoạt động, phát triển.
Tổng cục Thống kê cũng đánh giá, hiện thế giới vẫn đang diễn ra xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI, nhiều nhà đầu tư lớn đang tìm tới những nước có môi trường thân thiện để đầu tư. Trong đó có nhiều tập đoàn đang đầu tư vào những ngành mới như chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, AI, điện, điện tử... Đây cũng là những ngành sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo, và cần được quan tâm tạo điều kiện phát triển…
Thái An
- Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
- Điện lực Bình Định - Sáng mãi niềm tin
- Nợ BHXH đang là thách thức lớn trong quan hệ lao động tại TP.HCM
- BIC được vinh danh TOP1 Nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm Việt Nam khối doanh nghiệp lớn
- Huy động các nguồn lực để hỗ trợ sáng tạo báo chí chất lượng cao