Quy hoạch Thủ đô phải đảm bảo gắn kết với không gian văn hóa, kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng

Thứ Ba, 09 /04/2024 18:30

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cần có sự đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của TP.Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; giải quyết tốt mối quan hệ với các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, giao thông, cây xanh, nông nghiệp, thuỷ lợi, văn hoá, giáo dục… để thống nhất trong thực hiện, không làm hạn chế tư duy phát triển.

Ngày 9/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Đức Tuấn- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, mục tiêu và tầm nhìn phát triển đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố “văn hiến- văn minh- hiện đại”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm hàng đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế tài chính lớn, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ. Đây cũng là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao; trung tâm y tế hàng đầu cả nước, có chuyên khoa đạt đẳng cấp quốc tế; đô thị xanh, thông minh, hiện đại, nông thôn sinh thái, văn minh, thành phố thanh bình, có sức hấp dẫn cao. Cùng với đó, Thủ đô Hà Nội là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Theo Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu quy mô dân số đạt khoảng 10,5 triệu người; tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 8,5-9,5%/năm; GRDP bình quân/người khoảng 13.500-14.000 USD; kinh tế số chiếm 40% GRDP; chỉ số phát triển con người HDI từ 0,86-0,90; diện tích đất cây xanh bình quân 10-12 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa từ 65-70%... Quy mô dân số thường trú đến năm 2050 khoảng 13-13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt khoảng 45.000 USD-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-85%.

Cũng theo Quy hoạch, về bảo vệ môi trường, Hà Nội sẽ tập trung giải quyết ô nhiễm các dòng sông nội đô; thực hiện tổng hợp các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, không khí khu vực đô thị; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ; phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển các hành lang xanh, tăng diện tích cây xanh khu vực nội đô…

Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng giao thông công cộng, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc; cải tạo các khu chung cư cũ; bảo tồn, chỉnh trang khu phố cổ, phố cũ nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử phục vụ phát triển du lịch; khai thác không gian ngầm; xóa bỏ tình trạng dự án chậm triển khai; xây dựng khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị; xây dựng mô hình “phố trong làng” cùng một số không gian văn hóa nông thôn mang đậm nét đặc sắc văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ; khai thác tiềm năng sông Hồng…

Quy hoạch nêu rõ yêu cầu cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; phát triển dịch vụ logistics và các hệ thống phân phối; hiện đại hóa ngành dịch vụ tài chính-ngân hàng; phát triển kinh tế đô thị gắn với khai thác các không gian trên cao, văn hóa-sáng tạo, không gian ngầm, không gian số, công cộng…

Về xã hội, Quy hoạch tập trung giải quyết tình trạng thiếu trường lớp, đảm bảo tiếp cận giáo dục thuận lợi, phù hợp với độ tuổi với chất lượng giáo dục hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo công dân toàn cầu; phát triển các BV đa khoa và chuyên khoa cấp thành phố tiên tiến, hiện đại, chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân; phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo; nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo tồn, phát huy, nâng tầm di sản bằng công nghệ số...

Đáng chú ý, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển bao gồm: 5 không gian phát triển; 5 hành lang và vành đai kinh tế; 5 trục động lực; 5 vùng kinh tế, xã hội; 5 vùng đô thị. Cùng với TP.HCM, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, đóng vai trò trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh- Thanh Hóa).

Để tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch, 7 nhóm giải pháp trọng tâm được đề xuất thực hiện gồm: Huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cần có sự đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của TP.Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; giải quyết tốt mối quan hệ với các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, giao thông, cây xanh, nông nghiệp, thuỷ lợi, văn hoá, giáo dục… để thống nhất trong thực hiện, không làm hạn chế tư duy phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, Hà Nội cần dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn; đồng thời cần chứng minh tầm nhìn của Quy hoạch có thể trong bao nhiêu năm, nhất là cần phải cân nhắc và tính toán kỹ. “Quá trình lập Quy hoạch cần bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trên cơ sở đánh giá chính xác thực trạng, bối cảnh, để tính toán dự báo, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể”- Phó Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Hà Nội phải xem xét, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp thẩm quyền, xin chủ trương, kiến nghị hướng xử lý đối với những vấn đề mới đặt ra trong Quy hoạch, như xây dựng tiêu chí cụ thể về văn hoá, dịch vụ, hạ tầng, quy tắc ứng xử công cộng, môi trường… Đặc biệt, Quy hoạch phải tái hiện được một Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn với những con sông, nhất là sông Hồng và cảnh buôn bán tấp nập trên bến, dưới thuyền. Từ đó, đặt ra yêu cầu cải tạo, chỉnh trị và trả lại cho các con sông những chức năng như trước đây như là không gian mặt nước, thoát nước, thoát lũ, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, vui chơi, giải trí.

Phó Thủ tướng lưu ý, để thực hiện hiệu quả Quy hoạch, trong những năm tới, Hà Nội phải giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng văn hóa xã hội quá tải, tỷ lệ cây xanh, mặt nước không đạt yêu cầu. Cùng với đó, cần quy hoạch, sắp xếp lại, trong đó có khu vực trung tâm, khắc phục tình trạng cơ quan hành chính nằm lẫn trong khu dân cư, thương mại, dịch vụ; tránh để phố cổ là phố cũ. Đồng thời, cần tạo sự kết nối giữa nông thôn và đô thị; nông thôn tạo thành vành đai sinh thái cho đô thị, sạch và xanh hơn, là không gian dự trữ cho phát triển.

“Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cũng là một bộ phận của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, điểm khởi nguồn, kết nối, trải nghiệm và lan tỏa không gian văn hóa sông Hồng, cùng với các địa phương trong vùng, như một câu chuyện về dòng chảy văn hóa, lịch sử, di sản, bản sắc, tư liệu…”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

PV