TP.HCM chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí KCB BHYT

Thứ Năm, 25 /04/2024 18:39

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký Công văn số 2243/UBND-VX gửi Sở Y tế, BHXH và các cơ sở KCB trên địa bàn TP.HCM về việc Tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí KCB BHYT. Theo đó UBND TP.HCM lưu ý các Sở, ban, ngành, đơn vị nâng cao chất lượng giám định và tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác giám định chi phí KCB BHYT; không được để người bệnh BHYT ra ngoài mua thuốc; chống việc lạm dụng quỹ KCB BHYT và cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH khống…

Theo UBND TP.HCM, trong năm 2023, các đơn vị và các cơ sở KCB trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện việc tăng cường quản lý, kiểm soát trong chi tiêu KCB BHYT, quản lý có hiệu quả quỹ KCB BHYT, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bệnh.

Tuy nhiên, đặc thù tại TP.HCM số chi KCB BHYT vẫn ở mức cao so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Thực tế số lượt KCB BHYT năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Tại 187 cơ KCB BHYT, phát sinh 20,59 triệu lượt KCB BHYT, tăng 18,76% so cùng kỳ năm trước; chi KCB BHYT là 22.723 tỷ đồng, tăng 14,15% so cùng kỳ năm trước. Vì vậy, để đảm bảo cân đối dự toán chi KCB BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, đồng thời nâng chất lượng KCB BHYT, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả chi phí KCB BHYT năm 2024, trong đó, tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau:

UBND TP.HCM đề nghị BHXH Thành phố chủ động rà soát, đánh giá phân tích dữ liệu chi phí KCB BHYT trên Hệ thống giám định theo quy định tại điểm Đ khoản 10 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ; kịp thời thông báo cho các cơ sở KCB BHYT có các chỉ số tăng cao so với các cơ sở cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa,... để các cơ sở KCB chủ động quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí KCB BHYT tại đơn vị, đảm bảo cân đối dự toán toàn TP được giao năm 2024, đồng thời điều chỉnh những bất hợp lý trong chỉ định điều trị nội trú, chỉ định thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật... theo đúng quy định của pháp luật.

Nâng cao chất lượng giám định và tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác giám định chi phí KCB BHYT; tăng cường xây dựng và thực hiện giám định theo chuyên đề để quản lý toàn diện chi phí KCB trên toàn địa bàn TP; kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí bất hợp lý, sai quy định; thường xuyên rà soát điều kiện ký hợp đồng KCB BHYT theo đúng quy định của Luật KCB, Luật BHYT và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; thường xuyên theo dõi và đôn đốc các cơ sở KCB BHYT thực hiện các quy định về chuẩn hóa dữ liệu và chuyển dữ liệu lên Hệ thống giám định BHYT ngay sau khi kết thúc đợt điều trị theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế…

Đối với Sở Y tế TP.HCM, UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-BYT ngày 9/9/2019 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Phối hợp với BHXH TP. HCM chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác KCB BHYT; đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB thuộc quyền quản lý; phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHYT.

Yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn xây dựng kế hoạch, quản lý sử dụng quỹ KCB BHYT, đồng thời có giải pháp quản lý việc KCB và chi KCB BHYT đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả… Tích cực tuyên truyền và hướng dẫn người bệnh thực hiện KCB BHYT bằng CCCDcó gắn chip theo chỉ đạo tại Công văn số 931/BYT-BH ngày 28 tháng 2 năm 2022 của Bộ Y tế và Công văn số 533/BHXH-CSYT ngày 1/3/2022 của BHXH Việt Nam hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD có gắn chip. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và quá trình triển khai thực hiện dự toán chi KCB BHYT được giao…

Giám đốc các cơ sở KCB thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế đầy đủ, kịp thời để đáp ứng nhu cầu điều trị, không để người bệnh BHYT phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT. Danh mục thuốc mua sắm phải đảm bảo hợp lý về cơ cấu giữa các nhóm thuốc, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở KCB, giảm tỷ lệ thuốc biệt dược gốc, tăng cường sử dụng thuốc theo kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương. Đối với mua sắm vật tư y tế, đề nghị các cơ sở KCB tham khảo giá trúng thầu vật tư y tế trên cả nước được cập nhật trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam để đảm bảo việc mua sắm hiệu quả, tiết kiệm.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị, công tác dược lâm sàng; kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật và tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh. Xây dựng quy định, tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với yêu cầu chuyên môn, số lượng giường bệnh, điều kiện trang thiết bị và nhân lực theo đúng Chỉ thị số 25/CT-BYT…

Về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đảm bảo nguyên tắc đúng người bệnh, phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Tuyệt đối không lập hồ sơ khống và cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người không đủ điều kiện… Thường xuyên phổ biến, quán triệt cho nhân viên y tế về Điều 215 Tội gian lận BHYT của Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, trong đó hướng dẫn áp dụng Điều 215 về Tội gian lận BHYT. Người đứng đầu cơ sở KCB chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị, lĩnh vực công tác được giao quản lý, phụ trách.

Lê Văn