Trình Quốc hội sửa đổi các Luật để quyết vấn đề thuốc, VTYT, BHYT một cách căn cơ nhất
Sáng 8/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được ĐBQH, đồng bào, cử tri quan tâm và trả lời chất vấn của ĐBQH.
Báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị ĐBQH và đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về đánh giá tình hình, kết quả phát triển KTXH 9 tháng và dự báo cả năm 2023. Trong tháng 10, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Tuy nhiên, tình hình KTXH vẫn còn những hạn chế, bất cập; sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao... Vì vậy, trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo, trong đó tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khoá, tiền tệ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài... Đồng thời, tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền, ban hành kịp thời các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là về tài khoá, tiền tệ, xử lý vướng mắc của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hỗ trợ NLĐ, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Về giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện chậm tiến độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, tại một số cơ sở y tế công lập đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; vào bệnh viện phải mua thuốc ngoài, thanh toán BHYT khó khăn, ảnh hưởng đến công tác KCB; tình trạng quá tải bệnh viện chưa được khắc phục hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; các bất cập trong quy định về đăng ký, đấu thầu, mua sắm (trong đó, tồn đọng hàng chục nghìn giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực nhưng chưa được gia hạn kịp thời; đồng thời chưa cập nhật để bảo đảm phù hợp, kịp thời với sự thay đổi trong quy định của một số nước xuất khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc); còn có tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế; đầu tư phát triển cơ sở KCB còn hạn hẹp... “Với tinh thần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân là trên hết, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về đấu thầu, giá, KCB và các nghị quyết cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hết hiệu lực lưu hành; ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc và thanh toán BHYT. Đến nay, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả, trong đó bảo đảm đủ các loại thuốc thiết yếu, phổ biến (đã có trên 25.000 thuốc được gia hạn đăng ký lưu hành, cơ bản giải quyết được yêu cầu về đăng ký lưu hành thuốc; trên 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế còn hiệu lực). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và yêu cầu khẩn trương xây dựng, triển khai phương án giải quyết những vấn đề tồn đọng của 2 dự án BV Việt Đức và BV Bạch Mai cơ sở 2”- Thủ tướng khẳng định.
Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, Chính phủ tập trung trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật Dược, Luật BHYT và xây dựng, trình Quốc hội sớm ban hành Luật Trang thiết bị y tế để giải quyết các vấn đề thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và BHYT một cách căn cơ, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả (Trong đó, sửa đổi, bổ sung Luật Dược theo hướng khắc phục kịp thời, hiệu quả những hạn chế, bất cập về cấp, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, công nhận các điều kiện, tiêu chuẩn của nước ngoài; quản lý việc kê khai, kê khai lại giá thuốc, mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế, đặc biệt là trong các điều kiện xảy ra tình trạng khẩn cấp. Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT theo hướng bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và cung ứng thuốc trong danh mục BHYT, bảo đảm giải quyết ngay các bất cập về giá thuốc, chất lượng thuốc và cung ứng thuốc BHYT. Xây dựng Luật Trang thiết bị y tế theo hướng giải quyết những bất cập về các quy trình, thủ tục liên quan, bảo đảm đơn giản, thuận tiện, công khai minh bạch; quản lý chặt chẽ chất lượng, giá cả và cung ứng trang thiết bị y tế, trong đó có vấn đề đăng ký lưu hành, thủ tục mua sắm, xác định giá, thông tin, hướng dẫn về các loại trang thiết bị, công nghệ mới về y tế bảo đảm tăng năng lực tiếp cận, kịp thời đưa vào phục vụ hoạt động KCB; kiên quyết không để tình trạng thuốc, trang thiết bị y tế kém chất lượng). Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch; thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp dược, trang thiết bị y tế; tập trung xây dựng cơ sở y tế mới góp phần giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; chú trọng đào tạo, phát triển nhân lực ngành y tế, có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh và phát huy vai trò của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế.
Liên quan đến năng suất lao động xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năng suất lao động xã hội (được tính bằng GDP/tổng số lao động làm việc bình quân trong nền kinh tế) là một trong những thước đo quan trọng đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia. Trong nhiều năm qua, năng suất lao động xã hội của Việt Nam tăng trưởng liên tục và cao hơn so với bình quân của khu vực, thế giới. Tuy nhiên, chỉ tiêu này vẫn chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp là do tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra; đồng thời, do đại dịch Covid-19, nhu cầu quốc tế suy giảm dẫn đến sự chuyển dịch lao động từ các khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn sang khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức có năng suất lao động thấp hơn và tình trạng làm việc tạm thời, lao động bán thời gian tăng lên. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ KHCN còn hạn chế; năng lực quản trị DN, quản lý lực lượng lao động còn bất cập và một số nguyên nhân khác cũng đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng năng suất lao động xã hội trong thời gian qua. Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khu vực công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là thu hút lao động nông nhàn, phi chính thức sang các khu vực công nghiệp và dịch vụ…
V.Thu
- Thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Đánh giá kỹ tác động của chính sách giáo dục đến đời sống giáo viên
- Dự án Luật Việc làm (sửa đổi): Mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp, đảm bảo an sinh cho NLĐ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Thích ứng với già hóa dân số và Cách mạng Công nghiệp 4.0