Vi phạm mua bán trên thương mại điện tử gia tăng và diễn biến phức tạp
Thời gian qua, tình hình vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) gia tăng và diễn biến phức tạp. Cùng với sự xuất hiện sàn TMĐT xuyên biên giới, việc giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện, xử lý.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện và xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý hơn 777 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó xử phạt vi phạm hành chính 404 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 187 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 186 tỷ đồng (tăng 69%), thu nộp NSNN 479 tỷ đồng (tăng 11%).
Đáng chú ý, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng QLTT phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt lĩnh vực TMĐT tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, phần lớn các đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng. Nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian, đăng sản phẩm trên website nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời.
Trong 10 tháng năm 2024, lực lượng QLTT đã tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực TMĐT và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước. Đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước. Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện.
Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, thời gian qua, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường TMĐT không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Trong số các mặt hàng vi phạm, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Số liệu thống kê của Hiệp hội TMĐT Việt Nam cũng cho thấy, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 người bán tham gia. Tuy nhiên, các sai phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, trốn thuế diễn biến ngày càng phức tạp.
Hà Thủy
- Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực giới
- Công đoàn tặng sổ tiết kiệm cho trẻ có cha mẹ tử vong do bão số 3
- Thái Nguyên: Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo
- Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- Năm 2025: Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 95,15% dân số