Người cao tuổi Nhật Bản lập hàng loạt kỷ lục mới

Thứ Năm, 26 /09/2024 10:50

Các số liệu thống kê liên quan đến người trên 65 tuổi ở Nhật Bản cho thấy lực lượng dân số này đã lập nhiều kỷ lục mới nhưng mang cả tính tích cực lẫn đáng lo ngại, đặt ra nhiều thách thức lớn cho cường quốc kinh tế này.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy, Nhật Bản hiện có 36,25 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 29.3% tổng dân số, cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Nhà tư vấn cấp cao Robrt Feldman của công ty chứng khoán Morgan Stanley MUFG Securities đánh giá, dữ liệu trên làm dấy lên những mối lo về sự dịch chuyển nhân khẩu học và tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng ở Nhật.

Nhật Bản hiện cũng đạt kỷ lục về số người cao tuổi vẫn tiếp tục làm việc, với 9,14 triệu. Tiếp đó là kỷ lục về số lao động nữ cao tuổi, mà tính đến thời điểm hiện tại ở mức 3,8 triệu. Theo Trung tâm hỗ trợ việc làm người cao tuổi Kumamoto, người cao tuổi nhất vẫn còn đang làm việc hiện nay là một cụ ông 91 tuổi còn khỏe mạnh, đang giữ vệ sinh tại một bãi trông xe đạp ở nội thành. Trung tâm này cho biết, số người trên 80 tuổi đăng ký tìm việc cũng lập một kỷ lục mới khi tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước.

Hồi tháng 8, kết quả một cuộc khảo sát của ngân hàng dữ liệu Teikoku cho thấy 51% doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngành nghề ở Nhật Bản cho biết họ thiếu lao động làm việc toàn thời gian. Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt trong những thời điểm đòi hỏi mức độ lao động cao. Theo chuyên gia tư vấn Feldman, khi những lao động lớn tuổi này rút khỏi lực lượng lao động, Nhật Bản sẽ không có đủ số lao động trẻ để thay thế. 

Viện Nghiên cứu An sinh xã hội Và Dân số quốc gia Nhật Bản cho biết, dựa trên các xu hướng gần đây, tỷ lệ người cao tuổi của Nhật Bản được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đạt tỷ lệ 34,8% trên tổng dân số vào năm 2040.

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây của ông Feldman ước tính, nếu dựa trên các xu hướng nhân khẩu học trong thời gian qua, tổng lực lượng lao động của Nhật Bản có thể giảm từ khoảng 69,3 triệu người vào năm 2023 xuống còn khoảng 49,1 triệu người vào năm 2050.

Nhận ra những tác động tiêu cực của tình trạng này đối với kinh tế và xã hội, chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Một số biện pháp đã được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh khi chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida thực hiện các chính sách như cung cấp thêm chi phí cho việc nuôi dạy trẻ nhỏ và hỗ trợ xây dựng thêm nhiều cơ sở chăm sóc trẻ em trong nước. Chính quyền các địa phương thậm chí còn hỗ trợ các ứng dụng hẹn hò công khai nhằm mục đích khuyến khích người trẻ tăng cường tiếp xúc, kết hôn và sinh con.

Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ sinh sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu lao động trong ngắn hạn. Vì vậy, Nhật Bản đã liên tục mở cửa đón lượng lao động nhập cư lớn hơn trong những năm gần đây. Số lao động nước ngoài làm việc ở Nhật đã lập kỷ lục 2 triệu người vào năm nay, và dự kiến sẽ tăng thêm 800.000 người nữa trong 5 năm tới- theo truyền thông nước này.

Theo ông Feldman, để bù đắp những tổn thất nhân khẩu học được dự báo xảy ra ở Nhật trong vài thập niên tới, nước này sẽ phải nhập khẩu lao động với tốc độ nhanh hơn, có thể lên tới hàng chục triệu người.

"Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra, và điều đó có nghĩa là phần lớn sự sụt giảm lực lượng lao động trong nước sẽ phải được bù đắp bằng năng suất lao động cao hơn của những lao động trẻ còn lại", ông phân tích.

Ngọc Tuấn