Từ phản ánh của Tạp chí BHXH: Bà Võ Thị Thắm đã được nhận lương hưu

Thứ Sáu, 29 /03/2024 09:20

Trước đây, bà Võ Thị Thắm (58 tuổi) mượn hồ sơ của người thân đi làm và tham gia BHXH theo tên người khác, nên khi đến tuổi hưu thì hồ sơ bị vướng mắc. Mới đây, thông tin cho phóng viên Tạp chí BHXH, bà Thắm vui mừng cho biết mình đã được nhận quyết định hưởng lương hưu.

Bà Võ Thị Thắm ở trọ tại phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM) là nhân vật trong bài viết “Mượn hồ sơ đi làm- Nhiều hệ lụy” đăng trên Kỳ An sinh xã hội số 53, phát hành ngày 4/7/2023. Bài viết phản ánh về việc, suốt 3 năm qua, bà Thắm mòn mỏi đi “gõ cửa” cầu cứu khắp nơi với hy vọng nhận được lương hưu, sau gần 22 năm tham gia BHXH.

Bà Võ Thị Thắm (trái) đã được nhận lương hưu sau 22 năm tham gia BHXH 

Trở lại với thời điểm “lịch sử” trước đó, vì gia cảnh khó khăn, trình độ không có, nên bà Thắm rất khó xin được việc làm. Chính vì vậy, vào tháng 5/1996, khi em gái bà là Võ Thị Hương được Công ty Dịch vụ bảo vệ Việt Nam Thăng Long Supre 24.Co nhận việc, khiến cả gia đình đều vui mừng. Tuy nhiên, bà Hương cũng đồng thời được một DN khác tốt hơn nhận vào làm việc. Đang trong cảnh thất nghiệp, nên bà Thắm đã “thế chân” em gái vào làm tại Công ty Dịch vụ bảo vệ Việt Nam Thăng Long Super 24, sau đó được Công ty đóng BHXH theo tên bà Hương.

Làm tại Công ty Dịch vụ bảo vệ Việt Nam Thăng Long Super 24 được 2 năm, người quản lý trực tiếp của bà Thắm nghỉ việc và chuyển sang Công ty TNHH Liên doanh khách sạn Plaza. Người này đã kéo toàn bộ nhân sự, trong đó có bà Thắm sang chỗ làm mới (các hồ sơ cá nhân của NLĐ cũng được rút chuyển sang chỗ làm mới). Tại đơn vị mới, bà Thắm tiếp tục làm việc và được đóng BHXH. “Bao nhiêu năm làm việc, tôi luôn sống trong tâm trạng bất ổn, vì lo sợ việc mượn danh em gái bị Công ty phát hiện. Công ty không ai đả động gì đến, lại do ngày càng lớn tuổi, sợ mất việc, nên tôi chẳng dám hé răng, mà cứ thế ngày ngày làm việc”- bà Thắm chia sẻ.

Cho đến tháng 7/2020, việc kinh doanh của khách sạn gặp khó khăn do dịch COVID-19, nên bà Thắm phải nghỉ việc. Đến lúc này, bà cũng đủ tuổi nghỉ hưu và làm thủ tục hưởng chế độ, thì bắt đầu gặp vướng mắc, khốn đốn. Gần 3 năm qua kể từ lúc nghỉ việc, bà Thắm mang hồ sơ đến nhiều cơ quan chức năng như: BHXH TP.HCM, Sở LĐ-TB&XH, Thanh tra Sở, UBND, TAND Thành phố… khẩn thiết nhờ giải quyết chế độ hưu trí.

Theo đại diện BHXH TP.HCM, sau khi tiếp nhận hồ sơ của bà Thắm, BHXH Thành phố đã xem xét và chuyển sang Sở LĐ-TB&XH TP.HCM; tuy nhiên Thanh tra Sở cho rằng, hành vi mượn hồ sơ của người khác để tham gia BHXH không có căn cứ xử lý. Tháng 4/2021, ông Nguyễn Văn Lâm- Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có văn bản hỏi Bộ LĐ-TB&XH với lý do: “Nghị định số 28/2020/NĐ-CP không có quy định về xử phạt vi phạm hành chính với trường hợp NLĐ mượn hồ sơ người khác tham gia BHXH”.

Đến năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH có Công văn số 1767/BLĐTBXH-BHXH hướng dẫn các địa phương liên quan những trường hợp mượn hồ sơ đi làm, thì HĐLĐ của NLĐ phải bị Tòa án tuyên vô hiệu; sau đó cơ quan BHXH mới điều chỉnh thông tin. Hướng dẫn này khiến vụ việc của bà Thắm rơi vào bế tắc, vì không thể khởi kiện được. Bởi, dù Công ty Plaza có thiện chí sẵn sàng điều chỉnh HĐLĐ để “thay tên” cho bà trong khoảng thời gian 21 năm 2 tháng làm việc, nhưng Công ty Dịch vụ bảo vệ Việt Nam Thăng Long Super 24 đã giải thể, nên không còn người đại diện pháp luật DN…

Do các sở, ngành không tìm được tiếng nói chung, nên vào tháng 9/2022, UBND TP.HCM đã có Công văn số 3209/UBND-VX gửi Bộ LĐ-TB&XH, trong đó nêu rõ những vướng mắc trong triển khai thực hiện Công văn số 1767/BLĐTBXH-BHXH. Theo đó, dù DN đang hoạt động, nhưng khi NLĐ khởi kiện vẫn bị trả lại đơn do không có biên bản hòa giải lao động. Đáng nói, nếu NLĐ nộp đơn đề nghị hòa giải tại Phòng LĐ-TB&XH, thì đã hết hiệu lực về thời gian theo Khoản 1, Điều 190 Bộ luật Lao động. Hoặc với trường hợp DN đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, thì NLĐ cũng bị trả lại đơn kiện, do không có chủ thể khởi kiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong khi đó, với trường hợp người cho mượn hoặc người mượn chết, mất tích, không tìm thấy, thì Tòa án cũng không thụ lý.

Vì vậy, UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến đến Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và BHXH Việt Nam hướng dẫn giải quyết các vướng mắc, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Cách giải quyết này được triển khai từ năm 2010, khi BHXH Việt Nam phát hiện nhiều trường hợp NLĐ mượn hồ sơ đi làm và khai báo BHXH, sau đó đã có văn bản xin ý kiến và được Bộ LĐ-TB&XH đồng ý phương án xử lý cho NLĐ. Các địa phương giải quyết theo cách này đã giúp nhiều NLĐ được “trả lại tên cho em” và hưởng quyền lợi BHXH của mình. Tuy nhiên, từ năm 2020, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đột ngột dừng thực hiện quy định này.

Cũng liên quan vụ việc, ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, việc mượn hồ sơ đi làm là sai, nhưng cần xét đến yếu tố lịch sử và hoàn cảnh, để có sự thấu hiểu và tìm cách giải quyết cho NLĐ. Qua ghi nhận, nguyên nhân khiến NLĐ phải mượn hồ sơ do không đáp ứng điều kiện về tuổi đời; hoặc có giai đoạn một số DN hạn chế tuyển dụng người ở một số tỉnh, nên NLĐ phải mượn hồ sơ đi làm… “Thời điểm đó, CNTT chưa đồng bộ như bây giờ để phát hiện ngay thông tin người tham gia bị trùng. Về hình thức là sai, nhưng thực tế NLĐ có trích lương tham gia BHXH, nên họ cần được hưởng quyền lợi dựa trên sự đóng góp đó”- ông Thọ nhấn mạnh. Sau đó, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng đã ký Công văn số 1794/BHXH-CSXH đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn giải quyết vướng mắc đối với NLĐ mượn hồ sơ tư pháp tham gia BHXH…

Từ những nỗ lực của các cơ quan chức năng, mới đây, BHXH TP.HCM đã rà soát hồ sơ và căn cứ các quy định pháp luật để chính thức ban hành Quyết định hưởng chế độ hưu trí hằng tháng đối với bà Võ Thị Thắm. Theo đó, bà Thắm được hưởng lương hưu mức 3.082.452 đồng/tháng, thời điểm hưởng tính từ ngày 1/7/2021, đồng thời được cấp thẻ BHYT miễn phí. Đáng chú ý, theo đại diện BHXH TP.HCM, bà Thắm sẽ được truy lĩnh tiền lương hưu gần 4 năm, tính từ thời điểm 1/7/2021.

“Tôi tuổi đã cao, lại đau bệnh thường xuyên. Đã gần 4 năm qua chưa lúc nào ngừng đau đáu về chế độ lương hưu của mình, vì nó rất quan trọng đối với tôi. Xin cảm ơn cơ quan BHXH đã xử lý “trọn lý vẹn tình” để tôi có được lương hưu khi về già, có thẻ BHYT đi khám bệnh; cảm ơn Tạp chí BHXH đã lên tiếng cho những trường hợp NLĐ gặp vướng mắc, khó khăn như tôi”- bà Thắm xúc động cho biết.

Phạm Thọ