Món Onigiri giản dị của Nhật Bản phổ biến trong bữa trưa trên toàn thế giới
Trong nhiều thập kỷ, món cơm nắm rong biển (Onigiri) chủ yếu là món ăn nhẹ được ăn ở nhà hoặc trong hộp cơm bento. Giờ đây, món ăn này trở nên phổ biến và được nhiều người ưa chuộng hơn.
Mới khoảng 10 giờ sáng mà đoàn người xếp hàng bên ngoài Onigiri Bongo đã kéo dài. Khoảng 30 thực khách đến sớm đã thong dong ngồi vào bàn, nhâm nhi trà xanh (matcha) và nghiền ngẫm thực đơn được ép plastic. “Ngày nào khách cũng đông như thế này”- Bà Yumiko Ukon, người điều hành cửa tiệm nhỏ chuyên bán Onigiri tại Otsuka (Tokyo, Nhật Bản) trong gần nửa thế kỷ cho biết- “Nhưng chúng tôi không bao giờ hết Onigiri để bán”.
Du khách Australia thưởng thức Onigiri tại cửa tiệm Taro Tokyo Onigiri (Tokyo, Nhật Bản)
Tiệm Onigiri Bongo do vợ chồng bà Yumiko Ukon sáng lập, khai trương vào năm 1960, trung bình bán tới 1.500 nắm cơm mỗi ngày. Tệp khách hàng của tiệm bao gồm khách quen, khách nội địa từ nơi khác đến và ngày càng nhiều du khách nước ngoài. Ai cũng háo hức muốn nếm thử món Onigiri trứ danh của tiệm- những nắm cơm hình tam giác nóng hổi và đậm đà, phủ hoặc bọc trong rong biển. Phần nhân món ăn này rất phong phú, như ở tiệm Onigiri Bongo có tới 57 loại nhân, trong đó có trứng cá hồi (sujiko), mận muối (umeboshi), cá bào (okaka), thịt xông khói, phô mai… ăn kèm với dưa chuột, củ cải và một bát canh tương (miso soup).
Mặc dù Nhật Bản đang trong tình trạng thiếu hụt, nhu cầu về Onigiri vẫn tăng lên, một trong những nguyên nhân do thói quen ăn uống thay đổi thời kỳ đại dịch Covid-19, mọi người thường mua Onigiri để mang về nhà ăn tối. “Có thể mọi người không tin nhưng thời gian chờ để có chỗ lâu nhất mà khách hàng của chúng tôi từng trải qua là 8 giờ đồng hồ. Onigiri chỉ gồm cơm, muối, rong biển và một lớp nhân, tưởng như bất kỳ ai cũng có thể làm được. Vì vậy, khi mang lại cảm giác ngon miệng và thỏa mãn cho thực khách bằng món ăn đơn giản như vậy, chúng tôi coi là điều đặc biệt”- Bà Yumiko Ukon tự hào.
Thật ra, Onigiri từ lâu đã là mặt hàng chủ lực tại hệ thống cửa tiệm tiện lợi ở Nhật Bản và là lựa chọn hàng đầu của khách hàng trẻ tuổi- nhất là nhân viên văn phòng, vì giá rẻ mà vẫn no bụng. Nhiều chuỗi cửa tiệm tiện lợi còn tập trung đưa ra nhiều loại Onigiri mới, chẳng hạn FamilyMart cho ra mắt phiên bản Onigiri cao cấp với nhân cá hồi áp chảo (meuniere), cá ngừ vây xanh đánh bắt tự nhiên và củ cải muối hun khói. Còn 7-Eleven, bắt đầu bán Onigiri ngay khi mở cửa tiệm đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1974, tính đến tháng 4 năm ngoái đã bán được hơn 2 tỷ nắm cơm, theo số liệu của Tạp chí kinh doanh trực tuyến Toyo Keizai.
Nhiều loại Onigiri được bày tại cửa tiệm Taro Tokyo Onigiri (Tokyo)
Hiện nay, Onigiri đang tạo dựng được dấu ấn ở nước ngoài, tại Anh, Đức, Australia, Hoa Kỳ và một số khu vực châu Á- xu hướng này được phản ánh qua lượng gạo xuất khẩu của Nhật Bản, tăng từ 4.516 tấn vào năm 2014 lên 28.928 tấn vào năm 2022 (số liệu của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản). Cô Mika Kazato, người điều hành tiệm cafe Nhật Bản Parami (Surry Hills, Sydney, Australia), vô cùng ngạc nhiên trước sự yêu thích của người dân địa phương dành cho món ăn này: “Tôi không tưởng tượng được điều đó. Năm 2022, chúng tôi bắt đầu bán Onigiri, số lượng chỉ là 50 chiếc/ngày. Hiện con số đã lên tới 500 chiếc, rất nhiều người gọi Onigiri ăn kèm với cafe hoặc trà matcha. Khách hàng thường khen Onigiri thực sự ngon, hương vị hoàn hảo cho một bữa ăn nhẹ vậy”.
Nhưng có lẽ người Pháp mới là những người “có tâm” nhất khi nỗ lực đưa Onigiri vào cùng không gian ẩm thực với sushi và ramen- 2 món ăn biểu tượng của Nhật Bản. Thủ đô Paris là nơi có hơn 50 cửa tiệm chuyên bán Onigiri thủ công, đó là còn chưa kể tới các loại Onigiri công nghiệp bán ở siêu thị. Mùa hè này, VĐV Judo người Pháp Luka Mkheidze chia sẻ với tờ Asahi Shimbun: “Onigiri giống như nhiên liệu cho cơ thể vậy, món ăn này cung cấp năng lượng đủ để tôi có thể thi đấu tốt trong suốt cả ngày”.
Ông Yosuke Miura đang làm món Onigiri nhân cá hồi nướng tại Onigiri Asakusa Yadoroku- cửa tiệm Onigiri lâu đời nhất Tokyo, mở cửa năm 1954
Tại khu phố Asakusa (Tokyo, Nhật Bản), cặp đôi Anastasia và Rame Bouslimi, người Đức, đang ăn trưa bên ngoài Onigiri Asakusa Yadoroku- cửa tiệm Onigiri lâu đời nhất Tokyo, mở cửa năm 1954 và vào năm 2018, đã nhận được xếp hạng Michelin Bib Gourmand dành cho cửa tiệm "ngon miệng và giá phải chăng". Anastasia và Rame Bouslimi cho biết, họ thường xuyên ăn Onigiri ở Đức nhưng khi đến Nhật Bản, rất muốn thử xem có gì khác biệt không: "Onigiri ở Nhật ngon hơn nhiều. Món ăn vừa giá cả phải chăng, vừa tốt cho sức khỏe… giống như một chiếc sandwich lành mạnh (healthy) vậy. Khi bạn nghĩ đến Đức, bạn nhớ đến bánh mỳ kẹp xúc xích. Khi bạn nghĩ đến Nhật Bản, bạn nhớ đến Onigiri. Khi vợ chồng tôi cân nhắc nên ăn gì, Onigiri là thứ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng tôi”.
Đại diện Nakamura- Tổ chức hợp tác với các công ty, DN để quảng bá Onigiri trong nước và quốc tế, hy vọng món ăn này ngày được ưa chuộng hơn nữa ở hải ngoại: “Đây là món ăn thực sự linh hoạt và dễ làm. Miễn là có cơm, có nhân, có rong biển và có thể ăn bằng một tay, đều có thể gọi là Onigiri. Tất nhiên, cũng có một quy tắc không thể không tuân thủ, đó là dù như thế nào, cũng đừng rưới nước tương lên món ăn này".
Tùng Anh (Theo Today Online)
- Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh
- Đài Loan: Nới lỏng quy định Chương trình INTENSE nhằm thu hút sinh viên Việt Nam, Indonesia, Philippines
- Thái Lan phát tiền cho người cao tuổi dịp Tết Nguyên đán
- UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa tương lai trẻ em
- Các quốc gia OECD có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài