Tết đến, Xuân về, hoa giấy làng Thanh Tiên lại “nở rộ”, tỏa sắc đi khắp nơi. Trải qua nhiều thăng trầm, những thế hệ nghệ nhân của làng hoa giấy Thanh Tiên xứ Huế vẫn miệt mài gắn bó, thổi hồn vào những bông hoa sắc màu mô phỏng hoa cỏ tự nhiên… Để rồi những bông hoa ấy đến với mỗi người dân xứ Huế, là nét đẹp tín ngưỡng không thể thiếu.
Sách Đại Nam nhất thống chí có danh mục thống kê các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19, trong đó có nghề hoa giấy Thanh Tiên. Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay xã Phú Mậu thuộc TP.Huế). Làng nằm dọc theo bờ Nam, hạ lưu sông Hương, gần ngã ba Sình. Làng nổi tiếng với nghề làm hoa giấy thờ cúng, đặc biệt là hoa Sen, và là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến với vùng đất cố đô.
Theo các nghệ nhân trong làng, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã có từ cách đây hơn 300 năm, xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trọng tôn trí ở những nơi như Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và Ông táo. Hàng năm thay thế một lần vào Tết nguyên Đán, hoa mới được thay thế, hoa cũ hạ xuống “Duống” và đốt đi gọi là “Tẩu”. Cứ thế, hoa giấy Thanh Tiên trở thành một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và lan tỏa ra các tỉnh lân cận Quảng Trị, Đà Nẵng, hay bất cứ nơi đâu có người Huế cư ngụ mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Sự tinh xảo, mềm mại trong từng đường nét cánh hoa với những màu sắc sống động, tươi rói đã giúp hoa giấy Thanh Tiên chinh phục được nhiều người. Ngày nay, hoa giấy Thanh Tiên còn được ưa chuộng dùng để trang trí, nhất là hoa Sen. Với một bó hoa sen gồm đủ hoa, lá, nụ, nếu đứng ở một khoảng cách không quá xa, cũng khó mà nghĩ rằng đó không phải hoa thật mà là hoa giấy. Đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đã thổi hồn cho hoa, để hoa giấy Thanh Tiên, nhất là sen- biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt đã “vi vu” sang cả châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, theo những khách du lịch đến Huế. Hoa sen giấy Thanh Tiên còn được cách tân làm biểu tượng trong các lễ hội lớn của Huế, như Festival Huế, lễ hội áo dài hay các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, là sản phẩm trưng bày ở Đại nội Huế…
Để có thể làm ra những bông hoa giấy làm say đắm lòng người như vậy, từ xưa, người dân làng Thanh Tiên đã biết tận dụng nguyên liệu sẵn có trong vùng như cây lùng, cây tre để sáng tạo nên những bông Lùng, hoa Tre hay còn gọi hoa Đũa và nhuộm màu ngũ sắc. Khi ấy, bông Lùng, hoa Tre chỉ dùng cho thờ cúng, rồi dần dần phát triển thành nghề làm hoa giấy. Trải qua bao đời, cùng với sự góp sức sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân đã tạo nên một làng nghề hoa giấy Thanh Tiên như ngày nay. Với trí tưởng tượng phong phú cùng đôi bàn tay khéo léo, người nghệ nhân đã mô phỏng các loại hoa có trong tự nhiên như hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, cúc kép, hoa mắm nêm, tường vi, hoa quỳ, rồi hoa sen. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên lại rộn ràng vào vụ, tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, rực rỡ sắc màu, tô điểm và làm cho ban thờ mỗi nhà thêm ling thiêng, ý nghĩa.
Hoa giấy Thanh Tiên có nhiều loại khác nhau và đều được làm hoàn toàn thủ công. Các công đoạn từ vót tre, tẩm màu, cắt cánh hoa, nhụy hoa,… đều thành hình từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Công đoạn cuối là tạo nếp nhăn trên cánh hoa, mang đến nét sống động cho từng cánh hoa như hoa thật và kết hoa vào từng cành.
Chia sẻ về nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Hiến cho biết: “Nghề làm hoa giấy khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Để có cành hoa giấy với 5 màu vàng, đỏ, lục, hồng, xanh, bắt đầu từ tháng 10, người thợ đã chuẩn bị tre và phơi khô, nhuộm màu giấy. Mỗi cành hoa ra đời đều đòi hỏi sự chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận”.
Trước đây, người dân Thanh Tiên dùng một số loại lá cây để nhuộm giấy. Như màu vàng nhuộm từ trái dành dành, màu tím từ hạt mồng tơi,… Ngày nay, giấy làm hoa có đủ màu sắc sặc sỡ, được bán sẵn nên người thợ đỡ tốn công sức hơn. Bông hoa giấy, trông bề ngoài có vẻ giản đơn nhưng ẩn trong mỗi bông hoa khác nhau còn là những lý thuyết nho học của người phương Đông. Mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên bao giờ cũng có 8 hoa chính.
Ba cành hoa ở giữa tượng trưng là Quân-Sư-Phụ cũng có thể là Thiên-Địa-Nhân hoặc Trung-Hiếu-Nghĩa. Đặc biệt, luôn luôn có một bông hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho mặt trời, đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín.
Năm 2013, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống. Ngày nay, hoa giấy Thanh Tiên được ưa chuộng ở nhiều nơi, nhưng làng nghề cũng đã trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng mai một. Nghệ nhân Nguyễn Hóa, người đã có hơn 40 năm theo nghề cho biết, trước năm 2000, nghề làm hoa giấy có nguy cơ chững lại do sự phát triển mạnh mẽ của hoa nhựa. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Festival Huế và Festival làng nghề truyền thống nên hoa giấy Thanh Tiên được nhiều người biết đến và yêu thích. Nhờ vậy mà hoa giấy đã “tỏa hương” đi khắp nơi.
Bên cạnh làm những loại hoa giấy quen thuộc như lan, hồng, cúc,… từ năm 2008, nghệ nhân Thân Văn Huy của Thanh Tiên đã bắt tay vào khôi phục hoa sen giấy tưởng đã thất truyền mấy chục năm. Với hoa sen giấy, mỗi ngày, một thợ lành nghề có thể làm ra từ 15 đến 20 hoa. Hoa sen giấy rất được ưa chuộng, tiêu thụ quanh năm, đặc biệt là dịp Tết.
Năm 2010, nghệ nhân Thân Văn Huy cũng mở lớp đào tạo nghề cho khoảng 25 học viên. Trong số này, hiện 10 người đã có công việc ổn định. Với sự sáng tạo của những người trẻ, nhiều mẫu hoa giấy mới ra đời, tăng thêm sự đa dạng sắc màu cho hoa giấy Thanh Tiên. Làng nghề này cũng vì thế mà trở thành một điểm đến được yêu thích của đông đảo du khách khi đến Huế. “Họ tìm đến để tham quan, trải nghiệm nên mình phải có cách ứng xử tương xứng, làm hài lòng khách, để những giá t rị văn hóa của Việt Nam được lan tỏa, nhất là hoa sen- loài hoa được bầu chọn là quốc hoa”- nghệ nhân Thân Văn Huy chia sẻ.
Anh Minh