Nếu tháng Giêng là thời điểm để kiềm chế và cắt giảm, thì bóng đá cũng tuân theo quy tắc này mỗi năm. Một kỳ chuyển nhượng khác đã mở ra trên khắp châu Âu, nhưng trái ngược với sự hào phóng của mùa Hè, việc chi tiêu sẽ chủ yếu diễn ra một cách thận trọng và dè dặt, và giải NH Anh không phải ngoại lệ.
Luôn có những ngoại lệ, có thể là những đội bóng đang trong tình thế khẩn cấp hoặc có tham vọng tìm kiếm sự cải thiện, nhưng các mẫu hình chi tiêu trong tháng Giêng đã được thiết lập rõ ràng. Có một sự đồng thuận chung để giữ nguyên hiện trạng thay vì mạo hiểm vào giữa mùa giải.
Rob Wilson- chuyên gia kinh tế thể thao tại Đại học Sheffield, phân tích: “Trong 10 mùa giải trước, chỉ có 2,6 tỷ bảng trong tổng số 16,3 tỷ bảng chi tiêu của Premier League cho các khoản phí chuyển nhượng được phê duyệt trong các kỳ chuyển nhượng tháng Giêng. Nói cách khác, điều này có nghĩa là gần 84% giao dịch được thực hiện vào mùa Hè. Ít ai mong đợi điều này sẽ thay đổi trong tháng này”.
Những đội bóng lớn nhất của bóng đá châu Âu không có nhiều hứng thú để giao dịch trong một thị trường ảm đạm và yên tĩnh. Các mục tiêu thường không thể đạt được hoặc bị định giá quá cao. Các câu lạc bộ kết luận rằng tiền tốt nhất nên được giữ lại cho mùa giải 2025/26.
Chính HLV Pep Guardiola thừa nhận: “Thị trường không dễ dàng”, dù họ được dự đoán sẽ là một trong những đội hoạt động nhiều hơn trong tháng này và, đã đồng ý một thỏa thuận với Lens trị giá 40 triệu euro cho trung vệ 20 tuổi Khusanov.
“Thị trường hiếm khi dễ dàng vào tháng Giêng”, Dr. Paul Barber- Giáo sư kinh tế tại Đại học Brighton, nói. “Hơn một nửa số câu lạc bộ Premier League không cam kết chi phí chuyển nhượng nào vào tháng Giêng năm ngoái và chỉ có 4% tổng chi tiêu của giải đấu cho mùa giải 2023/24 đến từ kỳ chuyển nhượng mùa đông”.
“Mặc dù con số này có thể là một mức thấp được phóng đại, không ai mong đợi điều này sẽ lặp lại trong tháng này, nhưng nó đã nhấn mạnh những lo ngại mà các câu lạc bộ luôn mang theo vào năm mới”.
Kể từ khi Premier League giới thiệu hệ thống cửa sổ chuyển nhượng hiện tại vào mùa giải 2002/2003, chưa bao giờ chi tiêu vào tháng Giêng vượt quá chi tiêu của mùa hè trước đó.
Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, chẳng hạn như tháng Giêng năm 2023 khi Chelsea phá kỷ lục chuyển nhượng của Anh để ký hợp đồng với Enzo Fernandez từ Benfica với giá 106 triệu bảng, khiến tổng chi tiêu 815 triệu bảng trong kỳ CN mùa Đông đạt mức kỷ lục.
Lịch sử cho thấy rằng các câu lạc bộ lớn nhất không thích giao dịch vào tháng Giêng. Benjamin Rohr, chuyên viên phân tích dữ liệu về thị trường chuyển nhượng bóng đá, nhấn mạnh: “Real Madrid đã không bổ sung cầu thủ nào cho đội một trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng, kể từ khi ký hợp đồng với Brahim Diaz từ Manchester City vào năm 2019”.
“Barcelona, mặt khác, đã không chi tiền chuyển nhượng trong bốn kỳ tháng Giêng gần đây. Điều này cũng phản ánh bức tranh chung ở châu Âu”.
Dữ liệu từ Football Benchmark cho thấy rằng chi tiêu mùa Đông của các đội bóng hàng đầu châu Âu trung bình chỉ chiếm 18% tổng chi tiêu mùa Hè trong giai đoạn 2018/2019 đến 2023/2024.
Các kỳ chuyển nhượng mùa Hè, theo họ, tạo ra gấp năm lần chi tiêu, mặc dù thường chỉ dài gấp đôi so với các kỳ mùa đông. Nghiên cứu của Deloitte, được công bố vào năm ngoái, cho thấy rằng năm giải đấu lớn nhất châu Âu đã chi tổng cộng 380 triệu bảng vào tháng Giêng năm ngoái, trong khi chỉ vài tháng trước đó, họ đã chi 4,74 tỷ bảng trong mùa Hè.
Chỉ có hai trong số 20 vụ chuyển nhượng lớn nhất mọi thời đại được thực hiện vào tháng Giêng, với việc chuyển nhượng của Fernandez đến Chelsea và việc Coutinho gia nhập Barcelona là hai ngoại lệ duy nhất.
Những đội bận rộn thường là những đội có điều gì đó để mất. Crystal Palace, lo sợ bị xuống hạng mùa trước, là đội chi tiêu nhiều nhất trong tháng Giêng khi ký hợp đồng với Adam Wharton từ Blackburn Rovers với giá 18 triệu bảng và trả 7 triệu bảng cho câu lạc bộ Bỉ Genk để có Daniel Munoz.
Năm trước, Bournemouth, Leeds United và Southampton đều chi hơn 45 triệu bảng để tăng cường đội hình vào tháng Giêng. Hai đội sau cùng vẫn bị xuống hạng bốn tháng sau đó.
“Một câu lạc bộ chỉ tìm cách đưa cầu thủ vào nếu họ tin rằng những cầu thủ đó có thể tác động theo cách giúp họ giành chiến thắng hoặc giúp họ tránh khỏi điều gì đó. Đó có thể là cuộc chiến trụ hạng hoặc họ đang trong cuộc đua giành một suất dự cúp châu Âu hoặc thăng hạng”, Frank Arnesen- cựu Giám đốc thể thao tại Chelsea FC, nói.
“Điều này khác biệt vào mùa Hè. Vào tháng Giêng, bên bán biết chính xác lý do mà bên mua quan tâm đến cầu thủ đó và những phần thưởng tiềm năng có thể có nếu họ ký hợp đồng với cầu thủ đó. Điều này thường dẫn đến áp lực tăng giá chuyển nhượng”.
Cửa sổ tháng Giêng không có nhiều bạn bè trong bóng đá. Sir Alex Ferguson chưa bao giờ là fan hâm mộ trong suốt thời gian dài cầm quyền tại Manchester United và Arsene Wenger thậm chí đã kêu gọi hủy bỏ nó trong mùa giải cuối cùng của ông tại Arsenal.
Tháng Giêng là tháng để chữa cháy và chấp nhận rủi ro. Cửa sổ mùa Hè sẽ luôn là sân khấu ưa thích để đầu tư.
Hoàng Hương