Theo Luật BHXH 2024, ngoài chế độ thai sản đối với BHXH bắt buộc, còn bổ sung quy định chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.
1. Về chế độ thai sản đối với BHXH bắt buộc:
Bổ sung quy định trường hợp lao động nữ mang thai hoặc lao động nữ mang thai hộ có đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng chế độ thai sản khi sinh con; nếu trong trường hợp thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con.
Theo đó, đối với lao động nữ mang thai hoặc lao động nữ mang thai hộ mà thai từ đủ 22 tuần tuổi bị chết, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
+ Đối với trường hợp đủ điều kiện thời gian đóng như đối với trường hợp sinh con thì được hưởng chế độ như trường hợp thai sản sinh con.
+ Đối với trường hợp chưa đủ điều kiện về thời gian đóng thì được nghỉ 50 ngày nếu thai từ 22 tuần tuổi trở lên (quy định này đã mở rộng hơn so với luật hiện hành là “50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên”).
Bổ sung quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con, mà trước khi sinh con phải nghỉ việc để điều trị vô sinh. Theo đó, lao động nữ chỉ cần đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con.
Quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con. Sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết.
Bổ sung quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con như sau:
+ Trường hợp sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ thêm 3 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi.
+ Ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ thai sản phải trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày vợ sinh con; trường hợp người lao động nghỉ nhiều lần thì ngày bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định.
Sửa đổi quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH như sau:
+ Đối với trường hợp lao động nữ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ khi sinh con, lao động nữ nhờ mang thai hộ thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH bắt buộc, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.
+ Đối với các trường hợp khác nếu có thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH bắt buộc, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.
Luật hóa quy định đối với lao động nữ mang thai hộ và lao động nữ nhờ mang thai hộ; trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi. Cụ thể: Lao động nữ sinh con nhưng không đủ điều kiện quy định mà người chồng có đủ điều kiện quy định thì người chồng được trợ cấp một lần.
Trường hợp người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia BHXH bắt buộc hoặc không đủ điều kiện thì người chồng của người mang thai hộ đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm người mang thai hộ sinh con được trợ cấp một lần. Sửa đổi quy định về mức trợ cấp thai sản một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi.
Người lao động được quỹ BHXH đóng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
2. Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện
Nghị quyết số 28-NQ/TW có nội dung: BHXH tự nguyện với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác. Khảo sát, tổng kết thi hành Luật BHXH 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, trong đó có nguyên nhân do chế độ được hưởng còn thiếu hấp dẫn vì người lao động chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn. Trong khi thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.
Do đó, Luật BHXH 2024 quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con hoặc có vợ sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ. Kinh phí thực hiện trợ cấp này do Ngân sách Nhà nước bảo đảm và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của Ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con ngoài trợ cấp thai sản (nêu trên) còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
PV