Tay chân miệng là “bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời”.
Theo Viện Pasteur TP.HCM, mặc dù là “một căn bệnh nguy hiểm với hàng nghìn ca mắc mỗi năm và gây tử vong cho trẻ em; song đến nay, Việt Nam vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Trong khi đó, vắc xin được xem là giải pháp căn cơ để giảm gánh nặng do bệnh này gây ra”.
Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng đường ruột gây ra, bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi - họng, dịch của các bọng nước khi vỡ hoặc qua đường phân -miệng, qua thức an, nước uống bị nhiễm virus. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó, 2/3 là trẻ em dưới 3 tuổi, tuy nhiên người lớn cũng có thể mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus, hoặc trong quá trình chăm sóc người bệnh.
Tay chân miệng là bệnh có khả năng truyền nhiễm cao và đến nay vẫn là thách thức lớn đối với y tế công cộng Việt Nam. Trường hợp bệnh nặng, thường dẫn đến biến chứng, phải nhập viện và gây tử vong. Cụ thể, các biến chứng về não bộ có thể kể đến viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não… với biểu hiện giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê... Hay biến chứng về tim mạch, hô hấp như viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 76.371 ca bệnh tay chân miệng, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam (TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp…). Số ca mắc tay chân miệng trên cả nước có giảm so với các năm trước; tuy nhiên, bệnh vẫn là thách thức và luôn có nguy cơ lây lan thành dịch, nhất là trong giai đoạn vào tháng 5- 6 và tháng 9- 10 hằng năm, thông thường ghi nhận số ca mắc cao.
Đáng chú ý, 80% ca bệnh tay chân miệng nặng đều do chủng virus EV71 gây ra- đây là chủng nguy cơ gây bệnh nặng và tử vong. “Việc điều trị hiện nay vẫn chủ yếu dựa triệu chứng, và cần các giải pháp chiến lược để giảm thiểu tác động của các đợt bùng phát dịch, trong đó quan trọng là giải pháp ngăn chặn EV71”- đại diện Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ- “Một trong các giải pháp là vắc xin vì đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa bệnh tay chân miệng, đặc biệt với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và giảm bớt gánh nặng cho hệ thống bệnh viện”.
Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt “Ba sạch”, đó là: Ăn uống sạch (ăn chín, ăn chín); Ở sạch (thường xuyên lau sàn sàn nhà, các bề mặt và các vật dụng tiếp xúc hàng ngày) và Bàn tay sạch (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh). Trường hợp nặng dễ có nguy cơ biến chứng; do đó, cần nắm chắc các dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc.
Tùng Anh