Một cuộc khảo sát của Hội đồng Phúc lợi Quốc gia Singapore cho thấy, chỉ có 21,6% người khuyết tật được tham gia các chương trình đào tạo trong năm 2024 vừa qua, thấp hơn so với 43,5% người trong độ tuổi lao động.
Cuộc khảo sát của Hội đồng Phúc lợi Quốc gia Singapore được thực hiện đối với người khuyết tật từ 18 đến 64 tuổi. Kết quả, chỉ có 21,6% người khuyết tật được tham gia các chương trình đào tạo trong năm 2024 vừa qua, thấp hơn so với 43,5% người trong độ tuổi lao động.
Trong số những người khuyết tật chưa tham gia các chương trình đào tạo, có hơn 60% (61,6%) cho biết, “tình trạng khuyết tật của họ khiến khó theo học các chương trình đào tạo” và 41,3% cho rằng “sức khỏe không cho phép”. Các lý do khác bao gồm “không có nhu cầu hoặc hứng thú tham gia đào tạo” (26%) và “khó đến địa điểm đào tạo” (14,9%).
Hầu hết người khuyết tật tham gia các chương trình đào tạo đều tin rằng mang lại lợi ích cho họ. Trong đó, 77,9% “hài lòng với các chương trình đào tạo”; 81,2% cho rằng “trong quá trình đào tạo có sự sắp xếp tương ứng khiến họ cảm thấy được hỗ trợ”; 76,7% nêu “tài liệu đào tạo dễ sử dụng”.
Trong vài năm qua, ngày càng nhiều người khuyết tật đã tốt nghiệp các trường giáo dục đặc biệt; tiếp tục theo học tại các cơ sở giáo dục Đại học, được đào tạo hoặc gia nhập lực lượng lao động. Tỷ lệ người khuyết tật tiếp tục học cao hơn, đào tạo hoặc làm việc sau khi tốt nghiệp tăng từ 51,3% năm 2016 lên 57% vào năm 2024. Cụ thể, có khoảng 36.000 học sinh có nhu cầu đặc biệt tại Singapore; khoảng 80% trong số họ theo học các trường bình thường và 20% còn lại theo học các trường giáo dục đặc biệt.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)