Chiều 15/1, Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã có những chuyển biến mới, tích cực, đạt kết quả toàn diện; nhiều rào cản, vướng mắc về thể chế, cơ chế đã được quan tâm tháo gỡ; cải cách công vụ có nhiều đột phá; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có nhiều kết quả, môi trường đầu tư kinh doanh có sự cải thiện; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai quyết liệt;…
Báo cáo công tác CCHC năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2025 của Ban Chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy trình bày tại Hội nghị khẳng định, năm 2024, CCHC được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, xác định trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và TTHC; tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ với thành viên là các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 với 64 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể. Tính đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 18/21 (85,71%) nhiệm vụ; chưa hoàn thành 3/21 (14,28%) nhiệm vụ, còn lại 42 nhiệm vụ là nhiệm vụ thường xuyên (có 1 nhiệm vụ xin lùi thời gian sang năm 2025).
Thực hiện vai trò cơ quan thường trực CCHC của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác CCHC. Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tiếp nhận 144 đề xuất, kiến nghị của các bộ, các tỉnh, trên cơ sở đó đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, trả lời, giải đáp, tháo gỡ 144/144 đề xuất, kiến nghị, đạt tỉ lệ 100%.
Về nhiệm vụ năm 2025, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ xác định các trọng tâm tập trung thực hiện là: Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; rà soát, có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2025.
Các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Ban Chỉ đạo CCHC của các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hoạt động năm 2025; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về CCHC.
Bộ Nội vụ-cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2025, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh CCHC nhà nước giai đoạn 2026-2030. Triển khai Kế hoạch xác định Chỉ số CCHC năm 2024 của các bộ, các tỉnh và Kế hoạch đo lường, xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2024.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ; tổ chức rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan, gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm.
Xây dựng, tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách đối với CB, CCVC và NLĐ trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong CCHC, đề ra giải pháp khắc phục, khơi thông những điểm nghẽn trong tổ chức triển khai thực hiện; cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong cải cách thể chế, tháo gỡ những nút thắt đang gây lực cản cho tăng trưởng; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bãi bỏ các TTHC, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC. Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thúc đẩy triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao ý thức phục vụ người dân, DN của đội ngũ cán bộ, công chức...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, CCHC tiếp tục được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cả 6 lĩnh vực cải cách, bao gồm: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đều được quan tâm, đẩy mạnh, đôn đốc triển khai.
Công tác CCHC đã có những chuyển biến mới, tích cực, đạt kết quả toàn diện; nhiều rào cản, vướng mắc về thể chế, cơ chế đã được quan tâm tháo gỡ; cải cách công vụ có nhiều đột phá; cải cách TTHC có nhiều kết quả, môi trường đầu tư kinh doanh có sự cải thiện; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai quyết liệt.
Trong kết quả chung của cả nước có đóng góp tích cực của công tác CCHC với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ giao.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho rằng, CCHC là quá trình liên tục, càng làm càng lộ ra những bất cập, rào cản, cần kịp thời khắc phục để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong đợi của nhân dân. Người dân, DN vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; TTHC còn rườm rà, có nơi thực hiện chưa nghiêm, gây phiền hà, bức xúc; bộ máy tổ chức còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra. Những tồn tại, hạn chế này cần sớm được khắc phục để mau chóng khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước trong bối cảnh mới, tình hình.
Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cả nước phải tăng tốc và bứt phá để đạt mục tiêu phát triển KTXH của năm và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2026-2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong bối cảnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về CCHC để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đây là Nghị quyết rất quan trọng với tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính đột phá.
Đồng thời tiếp tục tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các động lực cho phát triển. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của cải cách trên cơ sở bám sát các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Tập trung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18, quyết liệt rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan nhà nước gắn liền với công tác bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ, nâng cao ý thức, thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan, địa phương, phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành...
H.Thuỷ