Cùng với tình trạng vô sinh, hiếm muộn có xu hướng gia tăng, một trong những cản trở khiến nhiều cặp vợ chồng “chậm trễ” chạm tới ước mơ được làm cha mẹ khi chi phí điều trị, làm thụ tinh trong ống nghiệm- giải pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả hiện nay vẫn khá cao...
Việt Nam đang đối mặt với thách thức, đó mức sinh thấp và tỷ lệ vô sinh cao. Một nghiên cứu gần 20 năm trước của Bộ Y tế ước tính, khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, hiếm muộn, ước tính hiện nay tỉ lệ hiếm muộn ở Việt Nam có thể vượt hơn 10%, tương đương khoảng 2 triệu cặp vợ chồng gặp khó khăn khi muốn có con. Có đến 40% nguyên nhân vô sinh hiếm muộn đến từ nam giới, 40% đến từ nữ giới và 20% còn lại đến từ cả hai phía hoặc không rõ nguyên nhân.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bao gồm bất thường về tinh trùng, các bệnh lý ở tử cung, buồng trứng, nội tiết, tuổi sinh lớn, khả năng sinh sản suy giảm. Bên cạnh đó, lối sống chưa lành mạnh (như hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích, chất cấm, đồ ăn nhanh...), hoặc tuổi sinh lớn... Chính vì thế, số cặp vợ chồng có nhu cầu khám và điều trị hiếm muộn ngày càng tăng ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một hành trình không dễ dàng với nhiều gia đình. Theo chia sẻ của ThS.BS Lê Thị Thu Hiền- Giám đốc chuyên môn BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, qua thực tế thăm khám, các bác sĩ đã gặp không ít các trường hợp gia đình hiếm muộn lâu năm gặp khó khăn về kinh tế, thậm chí có những cặp vợ chồng thất bại liên tiếp nhiều chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đa phần các cặp đôi sẽ có tâm lý lo lắng hoang mang về hành trình tìm con phía trước, họ sợ đối mặt với hai từ “thất bại” kéo theo những áp lực lớn về tài chính...
Thời gian qua, cơ sở y tế này đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị vô sinh hiếm muộn tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản như: chương trình thường niên “Tuần lễ vàng” thăm khám và thực hiện miễn phí các chu kỳ IVF cho các cặp vợ chồng nghèo; chương trình “Yêu thương lan tỏa” hỗ trợ các gia đình quân nhân hiếm muộn. Hiện nay, chương trình “Gieo hạt yêu thương” (từ 8/3- 30/11/2024) cũng dành tặng hàng trăm ưu đãi thăm khám đến các giáo viên hiếm muộn. Tính đến nay, đã có hàng trăm cặp vợ chồng được nhận hỗ trợ và đón con yêu thành công từ các chương trình này. Bên cạnh đó, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa khởi động chương trình ưu đãi “Ươm mầm xanh- Bảo hành IVF”. Theo đó, khi bệnh nhân đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, đăng ký tham gia chương trình và chọc hút noãn tại AF HANOI trong thời gian từ 06/11/2024 đến hết ngày 30/4/2025 sẽ được hoàn lại chi phí thực hiện kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm nếu quá trình chuyển phôi không thành công. Chương trình ra đời với mục tiêu hỗ trợ tài chính nhân văn cho các gia đình khi thực hiện làm IVF, hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ...
Nhân ngày 20/11, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng chia sẻ câu chuyện về “trái ngọt” của cô giáo tiểu học sau gần 7 năm trên hành trình hiếm muộn ròng rã tìm con, hiện mái ấm nhỏ hiện tràn ngập tiếng cười nói tíu tít của 3 nàng công chúa nhỏ đáng yêu từ giải pháp hỗ trợ sinh sản IVF. Tháng 6/2012, mối tình đẹp của cô giáo Bùi Thị Giang (sinh năm 1988, sinh sống tại Ninh Bình) và chàng thủy thủ Trần Văn Thiên bước sang khởi đầu mới là một đám cưới hạnh phúc sau gần 3 năm yêu thương tìm hiểu. Vì tính chất công việc, anh Thiên hay phải đi làm xa nên đôi vợ chồng trẻ ngày ấy mong muốn sớm có con để chị Giang có thêm niềm vui, vơi bớt nỗi cô đơn phải xa chồng. Mong ngóng là vậy nhưng sau nửa năm chưa thấy tin vui, đến năm 2013 trong một lần xuống công ty tại Hải Phòng, anh Thiên được người bạn tư vấn và đi khám sức khỏe sinh sản. Kết quả khám lúc đó cho thấy anh Thiên bị vô sinh nam, mà nguyên nhân có thể là do biến chứng của căn bệnh quai bị mà anh Thiên mắc phải khi còn nhỏ. Sau đó, cả hai vợ chồng cùng đến BV tuyến trung ương kiểm tra lại nhưng kết quả trả về vẫn là kết luận: “Hai vợ chồng không thể có con tự nhiên được, muốn có con bắt buộc phải thực hiện Hỗ trợ sinh sản IVF”. Thời điểm đó, kinh tế gia đình eo hẹp nên chị Giang quyết định tạm gác chuyện có con, tập trung làm kinh tế. Vào cuối năm 2015, vợ chồng chị Giang quay lại hành trình tìm con ở khắp các BV lớn nhỏ. Thời điểm này, kinh tế gia đình chị Giang đã có một chút, còn lại vẫn phải vay mượn để làm IVF, nhưng đáng buồn là sau 2 lần chuyển phôi hai vợ chồng đã không đạt được giấc mơ luôn khao khát…
Không từ bỏ hy vọng, năm 2017, hai vợ chồng chị Giang quyết định tìm kiếm hy vọng mới tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Cuối năm 2017 cả gia đình chị Giang anh Thiên vỡ òa hạnh phúc khi lần đầu tiên được nghe bác sĩ thông báo chị đã chuyển phôi thành công sau một lần chuyển phôi thất bại trước đó. Ngày 10/9/2018 nàng công chúa nhỏ đầu tiên cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vô bờ của gia đình nội ngoại hai bên. Tháng 12/2020, chị Giang quay lại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để chuyển số phôi trữ còn lại và may mắn lại mỉm cười, vào tháng 8/2021, gia đình chị Giang lại được đón thêm hai thành viên mới, mái ấm gia đình rộn ràng hơn bao giờ hết...
Theo BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, bệnh quai bị do virus có tên là Mumpsvirus, thuộc họ Pramisovirus gây ra, thường kéo dài khoảng 10 ngày hoặc hơn. Một trong các biến chứng của quai bị dẫn đến teo tinh hoàn, giảm số lượng, chất lượng tinh trùng dẫn đến hiếm muộn và vô sinh. Để có con, bệnh nhân cần được can thiệp sâu vào tinh hoàn để tìm tinh trùng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ. Những năm gần đây, phương pháp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE được áp dụng cho nhóm bệnh nhân này để nâng cao tỉ lệ thành công. Đối với những trường hợp bệnh nhân bị teo tinh hoàn do biến chứng quai bị, khi thực hiện mổ Micro TESE cho tỉ lệ tìm thấy tinh trùng là rất cao lên tới hơn 90%, hạn chế tổn thương mô tinh hoàn, ít để lại biến chứng...
Thái An